Danh Sách Văn Hóa

Top 7 Quán cà phê nổi tiếng Hà Nội xưa

Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây, theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa khoảng những năm 1857. Ban đầu, thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần, cà phê trở thành thứ thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân. Với những bạn trẻ sinh sống tại Hà Nội thì chắc chẳng lạ gì những quán cà phê mới như AHA, Cộng, Trung Nguyên, Hiland coffee… nhưng với thế hệ 8x, 7x và già hơn nữa, tầm tuổi đã lên chức bố, mẹ, ông, bà… thì không thể nào quên được những quán cá phê mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Hà Nội cũng như kỷ niệm của những người con sinh sống tại mảnh đất thủ đô này. Đó là những quán cà phê có 1 tên.

Cà phê Nhân, câu truyện cuộc đời.

Với cùng thời kì ra đời của cà phê Giảng vào năm 1946, ta phải nói đến quán cà phê Nhân. Lịch sử của quán thực sự là một câu truyện dài và có ý nghĩa gắn liền với thăng trầm của cách mạng Việt Nam.  Năm 1946, khi gia đình ông bà Nguyễn Văn Thi đi tản cư ở Vân Đình, cùng với sự đồng thuận của lãnh đạo, ba người bạn là Thế, Nhân và Thi (cùng là đội viên Đội biệt động Liên khu 3 – đội biệt động Hoàng Diệu), mở quán bán cà phê, vừa là nguồn sống của gia đình ông Thi, nguồn kinh phí hoạt động cách mạng, lại có thể trở thành nơi nhận liên lạc của cán bộ Cách mạng. Chữ Nhân do ba người đồng sáng lập cùng chọn làm tên hiệu với nhiều ý nghĩa: nhân tâm, nhân hậu, nhân đức, nhân nghĩa.

 

Ông Thi cùng vợ là bà Trần Thị Thanh Kỳ  trực tiếp điều hành quán và tìm tòi công thức kết hợp giữa cà phê chè và cà phê vối để tạo nên hương vị riêng, đặc biệt.

Trong suốt giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1951, cà phê Nhân cũng theo gia đình ông bà Thi tản cư từ Vân Đình xuống Nho Quan rồi lại quay về Hà Nội. Cà phê Nhân như một “mật cứ” để gặp gỡ, móc nối liên lạc, trao đổi tin tức quân sự, tình báo giữa nội thành và vùng sơ tán địa phương.

Năm 1951, tại 100 Cầu Gỗ, quán cà phê Nhân được ông bà Thi quay trở về Hà Nội gây dựng lại và phát triển mạnh. Năm 1980 sau khi nghỉ hưu, cụ Kỳ quyết định mở lại quán cà phê ở số 27 phố Lương Ngọc Quyến.

Trong giai đoạn sau này, cà phê Nhân không chỉ là một quán cà phê nhỏ mà đã xây dựng và mở rộng tại địa điểm 39 phố Hàng Hành thành một thương hiệu lớn mang tầm vóc quy mô công ty TNHH kinh doanh sản xuất và phát triển thương hiệu với nhiều ngành nghề vào năm 2003.

Nhiều quán mang tên Cà phê Nhân được mở ở khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận thậm chí có cả trên Sa Pa. Những quán này không rõ là do con cháu của cụ Thi-Kỳ mở ra hay là các cơ sở nhượng quyền . Tuy nhiên, quán ở Hàng Hành là địa chỉ được nhiều người biết đến nhất và được coi là quán gốc. Mọi người vẫn thường nói Cà phê Nhân độc bá Hàng Hành. Quán to đẹp, hiện đại, hoành tráng bề thế với 5 tầng sơn nâu đặc trưng, chỗ để xe rộng rãi thoải mái, máy lạnh, ti vi, wifi… bàn kính và chỗ ngồi ghế đệm, thực đơn món ăn và đồ uống, nhân viên phục vụ lúc nào cũng sẵn sàng khi bạn gọi. Khách đến quán cũng đa dạng hơn vì tiện nghi và thương hiệu lớn với tuổi đời hơn 60 năm ở đất Kinh Kỳ.

Theo đánh giá của những người yêu thích cà phê, Cà phê Nhân không còn hấp dẫn như trước. Cà phê Nhân đi theo hướng phát triển thương mại hóa đã đánh mất chính mình, chất lượng cà phê cũng không còn đảm bảo và đạt hương vị của cà phê từ thời xa xưa nữa.

Cà phê Giảng- đắng thơm cà phê trứng.

Có thứ đồ uống nào làm nên nét đặc trưng, độc đáo và thú vị cho đất kinh kỳ, thứ đồ uống đậm vị thơm ngon kết hợp vị ngòn ngọt, beo béo với vị đắng vốn có của cà phê, đó chính là cà phê trứng. Hình như quán cà phê cổ này là nơi khai sinh ra cà phê trứng – thức đồ uống béo ngậy, đậm đà yêu thích của không ít người Hà Nội. Café trứng của Giảng cũng chính là  thức uống đã đưa cà phê Hà Nội đứng đầu top 17 loại cà phê nên uống trên thế giới do Buzzfeed bình chọn. Cà phê Giảng đã qua hai lần đổi địa điểm. Quán đầu  tiên ở 90 Cầu Gỗ, năm 1955, sau cải cách, quán chuyển tới số 7 Hàng Gai – nơi gắn với kí ức của rất nhiều người.
Quán café Giảng ở Nguyễn Hữu Huân được ông Nguyễn Trí Hòa (con út cụ Nguyễn Văn Giảng) tách ra khi bán địa điểm ở số 7 Hàng Gai năm 2007-2008. Quán là một trong những thương hiệu cafe lâu đời nhất ở Hà Nội, ra đời từ khoảng năm 1946 do chính cụ Nguyễn Văn Giảng, người từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp thuộc sáng lập nên. Có lẽ, hương vị cà phê trứng nổi tiếng của quán được cụ biến thể từ thức uống capuchino khi còn làm ở Metrophole thời kì đó. Sau cải cách 1955, quán chuyển về số 7 Hàng Gai. Nhưng ngày nay, qua những thăng trầm thời gian, quán được tách làm hai, một nằm ở 109 Yên Phụ, một ở 39 Nguyễn Hữu Huân. Hai quán do hai anh em con cụ Giảng mở ra nên có thể coi có đó đều là “Giảng” chuẩn. Với đồ uống độc đáo, mùi thơm ngất ngây, vị hòa trộn giữa đắng và ngọt, bùi và ngậy, lớp bông trắng xôm xốp phủ bề mặt đẹp đến kì lạ, cà phê trứng là niềm tự hào, là chỗ đứng của quán cà phê cổ trong lòng người Hà Nội, không chỉ khiến người Hà Nội say mê tìm về mà còn hấp dẫn cả những vị khách đến thăm Hà Nội.
Nhưng niềm tự hào lớn hơn đó chính là chỗ đứng của quán trong lòng người Hà Nội. Để kịp với xu thế chung của cuộc sống, để nâng tầm chất lượng, cà phê Giảng không chỉ có món cà phê trứng nóng mà còn có cà phê trứng đá cũng như các món ca cao trứng , trà xanh trứng, đậu xanh trứng hoặc cà phê trứng rượu rum…  

Cà phê Nhĩ, vết tích thời gian.

Quán cà phê được xếp trong bộ tứ cà phê “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” và rất nổi tiếng vào thời kì những năm 45, 50 và rồi… quán vẫn thế từ đấy đến giờ. Có lạ kì không khi quán tọa lạc tại tầng 1 số 2 Hàng Cá, Hoàn Kiếm giáp ngay ngã tư Hàng Lược và Ngõ Gạch.
Bao nhiêu năm tháng thăng trầm mà vẫn vậy, không đổi thay, không lạ lẫm, đồ uống thì vẫn nguyên vẹn mùi vị và chất lượng khiến bao nhiêu thế hệ mê đắm. Bao nhiêu người đến đây và ngơ ngẩn bởi không gian ký ức và say vị cà phê đen sẫm. Quán vỉa hè, không biển hiệu để nhận biết, may ra có chăng tấm bạt che cũ mèm không còn nhìn nổi màu sắc với mấy chữ như từ những năm 80 về trước. Quán  nhỏ, thấp bé, chật hẹp như những con phố, con đường 36 phố phường xưa. Quán không có lối vào vì lối vào cũng đặt tạm bợ mấy cái ghế gỗ thô kệch cũ rích sậm xì ngả màu từ đời thủa nào lâu lắm rồi vừa dùng làm chỗ ngồi vừa dùng làm bàn kê đồ uống.
 Cà phê Nhĩ ngày xưa vẫn thế và bây giờ cũng không thay đổi gì, chẳng bao giờ thèm “nâng cấp” bất kì cơ sở hạ tầng nào. Chiếc cốc, cái thìa đến chiếc ghế… vẫn giản dị đến mức tuềnh toàng. Không gian hơn chục mét vuông đã bé lại còn đông, ồn ào, hơi bẩn và cũ kĩ. Đặc quánh lại là người và khói thuốc. Mấy chiếc quạt tường kêu rào rạo không thổi hết đi mùi người và mùi khói, mùi cà phê, mùi ẩm mốc của tường rêu… Ấy thế mà quán vẫn cứ đông, quá tải, ngồi tràn ra vỉa hè, chiếm chỗ của xe máy, của người đi bộ. Người đầu tiên bán là ông Nhĩ, sau thành tên quán, tự nhiên và đơn giản.  Sau khi ông Nhĩ mất, quán truyền lại cho con trai và con dâu bán đến bây giờ.
 Cà phê ở đây cũng được pha chế khác kiểu, cà phê là pha sẵn để trong những ấm tích sứ vốn dùng để hãm nước chè xanh. Ai gọi cà phê thì chủ quán đong bằng chén hột mít, cữ đong cho 1 cốc là 2 chén hột mít thêm đường hoặc sữa đặc, đánh bọt bằng cây đánh trứng thả vài viên đá rồi đưa ra cho khách thưởng thức. Cà phê đen sẫm, đặc, đậm vị và thơm. Cũng có người đồn đại rằng, trong cà phê Nhĩ có một lượng nhỏ là… sái thuốc phiện, chính vì thế mới làm người ta ghiền và nhớ đến vậy. Thực hư đến đâu chẳng ai  xác minh được rõ ràng, nhưng chỉ chắc một điều rằng, đúng là cà phê Nhĩ có cái gì đó làm nhiều người “mê mệt” thật. 

Cà phê Năng, cũ và mới.

Có nhiều người quan niệm rằng “Tứ trụ” cà phê thập niên 50 phải là “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng” và cho rằng Giảng cà phê có phong cách riêng khác so với những quán cùng thời. “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng” mới là cà phê pha đúng kiểu, đúng chất thời đó. Theo tôi diều đó không quan trọng, quan trọng là chất lượng cà phê nói lên tất cả. Dù là Năng hay Giảng thì đều là cà phê ngon, uống để cảm nhận, để thấy rung động từng cảm giác.
 Cà phê Năng “ gốc” tọa lạc tại số 6 Hàng Bạc, (hiện đang dừng bán hàng để sửa chữa) một căn nhà hai tầng duy nhất so với những quán cà phê cùng thời. Không gian của quán sâu vừa phải. Những bộ bàn ghế gỗ thô kệch, nặng nề và xỉn màu. Quầy pha chế bầy những phin cà phê nhôm vừa là để trang trí vừa là đẻ tiếp cà phê cho khách. Cầu thang đá với những bậc cấp cao và hẹp. Cà phê ở đây rất đậm, hơi nặng, nếu bạn đến uống cà phê buổi sớm mà không ăn sáng thì có thể say cà phê, biêng biêng cả ngày chứ chẳng đùa. Quán lúc nào cũng đông cả tầng 1 lẫn tầng 2, lúc nào cũng có người đang thả hồn mình vào phố phường nhộn nhịp lại qua. Theo lời bác chủ quán thì không có gì là gia truyền trong cách pha chế từng tách café cả, chỉ có tấm lòng của người bán hàng gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình! Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, Cà phê Năng giờ đã phát triển rộng hơn, một loạt những địa điểm mới mở ở 15,32,46,92 Phố Nguyễn Hữu Huân, 22 Đường Thành, 129 Triệu Việt Vương . Với những đổi thay chuyển mình, Cà phê Năng vừa giữ được bản sắc và chất lượng vừa tiếp cận sâu rộng và đa dạng hơn với các thành phần khách hàng từ giới trẻ đến người già. 

Cà phê Lâm, thời của những bức tranh vô giá.

              Café Lâm ra đời từ năm 1952 ở vườn hoa Chí Linh, quán mang tên chính chủ nhân của nó là cụ Nguyễn Văn Lâm. Người Hà Nội cũ vẫn truyền kỳ nhau nghe về câu chuyện chàng trai Nguyễn Văn Lâm năm xưa một mình đẩy xe bán dạo cho giới công sở tại vườn hoa Chí Linh (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay). Sau đó một thời gian, ông Lâm không còn bán bằng xe đẩy nữa mà mở một quán cà-phê ở phố Hàng Vôi. Chắc chắn ông không phải là người đầu tiên bán cà phê tại Hà Nội, nhưng khi nói về cà phê cũ, người ta luôn nhắc đến sự tích “truyền kỳ” này.
Cũng vì thế nhắc đến cà phê ở Hà Nội, người ta không chỉ nghĩ đến Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng hay Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng,  mà còn nghĩ đến  “tam giác cà phê” Nhân – Lâm – Giảng. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Bích, con gái của cụ Lâm hiện đang trông nom quán ở 60 Nguyễn Hữu Huân: “Ngày ấy Lâm đã là điểm đến ưa thích của các giới công chức làm việc ở Ngân hàng, bưu điện, giới văn nghệ sĩ… Đến năm 1955, quán chuyển qua Tông Đản rồi năm 1960 thì chính thức chuyển về địa chỉ 60 Nguyễn Hữu Huân như bây giờ”.
 Quán 60 Nguyễn Hữu Huân,giữ nguyên vẻ đẹp giản dị với tường vôi vàng, của sổ xanh và tấm biển đặc trưng, vừa là nơi bán hàng tầng 1 vừa là nơi thờ cúng của gia đình, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cụ Lâm để lại. Hiện ở phố Nguyễn Hữu Huân có hai quán cà phê Lâm ở số 60 và số 91 Nguyễn Hữu Huân, do hai chị em con cụ Lâm đứng ra kinh doanh. Bên cạnh đó, thương hiệu cà phê Lâm cũng kinh doanh chuyên về cà phê bột đóng gói ở số 78 Nguyễn Hữu Huân. Cà phê ở quán có vị ngon đặc trưng, hấp dẫn khách bằng vị cà phê sắc và hơi khét một chút, khét đúng độ, vừa đủ. Cái vị cà phê ấy là nét riêng, độc đáo, cuốn hút người thưởng thức, say đắm lòng người. Bà Bích cho biết, hạt café ở Lâm được lựa chọn rất kỹ, được rang xay mộc 100% (không pha hương liệu và phụ gia) với tỷ lệ đặc biệt, vì thế mà café vẫn giữ nguyên hương vị suốt 60 năm qua. Với chất cà phê mộc “không thể cũ, khó thể quên” tuyệt vời như thế, quán đã cuốn hút không biết bao nhiêu người dến thưởng thức.
Nhưng đó chưa là phải tất cả, quán còn nổi tiếng bởi tranh. Ông Lâm giờ đã khuất, nhưng theo gia đình ông kể lại thì trước kia, các họa sĩ đến đây ngồi nhiều thành ra thân quen với chủ quán, họ cứ uống và rồi… ghi sổ nợ. Đôi khi họ còn vay tiền của ông Lâm để mua vải, bút và màu vẽ. Khi tiền thiếu đã nhiều, họ mang tranh đến trả cho ông Lâm thay tiền trà nước. Ông Lâm vốn dễ tính nên nhận tất cả, bất kể tranh thuộc thể loại phong cảnh, đường phố, ký họa, than chì, bột màu hay siêu thực. Qua năm tháng, những bức tường trong quán ông Lâm “khói” đã được phủ kín bằng tranh của các họa sĩ. Tất cả đều là bản gốc, có một không hai.
 Quán cà phê Lâm như một galery lớn với những bức tranh trưng bày sinh động về con người và phố phường Hà Nội, những bức chân dung tự hoạ kèm bút tích, những bản thảo văn chương chép tay… mà tác giả là những tên tuổi lớn từng làm xao xuyến tâm hồn bao thế hệ người Việt, như các danh hoạ Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng; các nhạc sĩ nhà văn, nhà thơ: văn Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Hữu Loan, Phùng Quán…
 Còn gì có thể tuyệt vời hơn được nữa, bạn đến uống cà phê và thưởng ngoạn, ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật đo độ dài của năm tháng với đủ màu sắc kích cỡ, gợi cho khách một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và có chút gì đó thật hoài cổ. Café Lâm đã đăng ký thương hiệu và có mặt trên bản đồ du lịch như một địa điểm cần phải đến ở Hà Nội. 

Cà phê Dĩ, đi đâu về đâu.

Một thời bộ tứ cà phê “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” là tên gọi “Tứ trụ” cà phê danh tiếng của đất Hà thành. Các quán mở gần như cùng thời điểm lúc bấy giờ là vào khoảng những năm 45, 46 của thế kỉ trước. Tuy nhiên không hiểu vì sao mà cà phê Dĩ lại biết mất. Rất nhiều người đã đi tìm lại gốc tích mà không có tư liệu nào lưu lại. Cá nhân tôi cũng đã vào các phòng tra cứu tìm nhưng không có thông tin gì về quán này. Nhiều lúc tôi cũng ước giá như được thưởng thức 1 lần hương vị cà phê Dĩ để so sánh với những quán cà phê mà tôi từng được uống để cảm nhận và chia sẻ niềm vui với các bạn cùng chung đam mê và yêu thích cà phê của tôi. Nhưng ước là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác, cà phê Dĩ chỉ còn cái tên trong dòng chảy của lịch sử mà thôi, tiếc cho 1 danh hiệu. (Cà phê Dĩ không còn tồn tại nên không có ảnh lưu lại).

Cà phê Đinh

Nếu nói thêm thì có thể nói về cà phê Đinh nằm ở số 13 Đinh Tiên Hoàng. Chủ quán cafe Đinh, bà Bích, là con gái ruột của cụ Giảng.Quán Đinh mở vào những năm 1990, sau khi cụ Giảng mất, bà Bích quyết định mở quán bán cà phê trứng theo nghiệp bố. Đinh nằm trên gác hai của một căn biệt thự Pháp cổ. Muốn đi lên quán, phải qua một cửa hàng bán túi xách rồi đi qua chiếc cầu thang cũ kĩ, nhuộm màu thời gian. Quán đặc trưng vì không biển hiệu, chỉ ai biết thì đến, lối vào khó khăn, chật hẹp, tầng gác ẩm mốc. Gác hai của ngôi nhà Pháp cổ ấy hầu như vẫn còn nguyên kiến trúc ban đầu. Chủ quán chỉ gia cố và sửa chữa lại những nơi đã quá cũ, không an toàn cho khách.Nhưng đấy mới chính là giá trị của quán. Đặc biệt ban công nhỏ xíu như tổ chim câu nhìn thẳng ra Hồ Gươm là nơi mà khách tranh nhau chiếm chỗ chỉ để hưởng thụ cái cảm giác 3 trong một, phố cổ Hà Nội, Không gian Hồ Gươm và cà phê trứng thơm ngon. Hương cà phê trứng thơm ngậy, mùi chè sen ngọt mát, mùi hoa nhài thoang thoảng, mùi phố phường qua ban công be bé, màu cánh cửa đã cũ, màu cà phê đen sánh, màu tường vôi vàng ấm, màu đỏ của bếp lò ấm rực cả mùa đông. 

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button