Danh Sách Văn Hóa

Top 7 Bí quyết để đạt điểm cao môn Ngữ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia

Chỉ còn gần hai tháng nữa thì kì thi THPT Quốc Gia sẽ diễn ra, đây là một kì thi hết sức quan trọng đối với học sinh. Theo như tình hình hiện tại, có lẽ đề năm nay sẽ có mức độ cao hơn năm trước, điều này đồng nghĩa với việc các bạn phải có sự nỗ lực cao độ mới có thể đạt được điểm cao. Như đã được thông tin, các môn thi sẽ dưới hình thức trắc nghiệm, trừ môn Văn. Như vậy, đối với các bạn chọn môn Ngữ Văn để xét Đại học, trong “trận đánh cuối cùng này” các bạn cần nắm được một số bí quyết để đạt điểm cao đối với bài thi môn Văn. Lần này, Danhsachtop sẽ hóa thân vào vai trò của một người bạn đồng hành để chia sẻ bí quyết cho bạn nhé.

Tách đoạn hợp lí

Khi đã xác lập được luận điểm, bạn hãy trình bày luận cứ của mình theo luận điểm chính đó. Một luận điểm có thể được viết thành nhiều đoạn. Nhưng không được chỉ viết một đoạn quá dài cho tất cả các luận điểm. Tách đoạn là điều cần thiết để có một bài văn đạt điểm cao.

Phân tích đề

  1. Đọc kĩ đề, tìm từ khóa của câu, nếu đề gồm nhiều vế cần xác định đâu là vế chính.
  2. Xác định đề văn đã cho thuộc dạng đề nào.
  3. Nắm được vấn đề trọng tâm cần nghị luận.
  4. Xác định được thao tác lập luận.

Đề minh họa: Ngạn ngữ Trung Hoa có viết: “Thất bại không phải là ngã, mà là từ chối đứng dậy”.
Hãy trình bày ý kiến của anh/chị về vấn đề này.
Hướng dẫn phân tích đề
Từ khóa trọng tâm cần giải thích:
– Thất bại: là trạng thái không đáp ứng được mục tiêu, mong muốn hay dự định đã được bản thân đề ra.
– Từ chối đứng dậy: đặt trong ngữ cảnh của toàn câu ta có thể hiểu từ chối đứng dậy là một cách ứng xử, thái độ của con người trước những cạm bẫy, vấp ngã trong cuộc đời, khi họ không thực hiện được dự định một cách thuận lợi lúc này thay vì mạnh dạn đứng dậy và tiếp tục cố gắng, họ lại chọn cách vội vàng bỏ cuộc, chùn bước thậm chí chôn vùi cả những mục tiêu mà mình đã đề ra.
– Ý nghĩa cả câu:
Trong quá trình chinh phục những mục tiêu, ước mơ của bản thân, chắc chắn sẽ chẳng có lối đi nào thuận lợi ngay từ phút bắt đầu, cuộc sống vốn dĩ không để chúng ta dễ dàng có được vinh quang, cạm bẫy, thử thách, khó khăn là điều tất yếu phải có. Chúng ta có thể vấp ngã vì những thách thức đó nhưng việc ta ngã như vậy không thể kết luận được rằng chúng ta đã thất bại. Chúng ta vấp ngã nhưng hãy nhớ cuộc đời luôn cho ta những cơ hội tiếp tục cố gắng, quan trọng là bạn muốn nắm bắt cánh cửa mới hay từ chối chúng. Một khi bạn nản chí chùn bước và đồng ý bỏ cuộc chấp nhận từ chối cơ hội đứng dậy nghĩa là bạn đã thật sự thất bại và rằng những mục tiêu mà bạnđã đề ra sẽ chẳng thể thực hiện được.
– Vấn đề cần nghị luận: Cách nhìn nhận của con người về thất bại.
– Thao tác lập luận: giải thích, bình luận, chứng minh
– Phạm vi dẫn chứng: Chúng ta có thể chứng minh qua quá trình đi đến thành công của những bậc vĩ nhân được thế giới nể phục.

Luận điểm rõ ràng

Tuyệt đối tránh việc sa đà vào cảm xúc mà viết một cách không có luận điểm. Việc chia luận điểm sẽ giúp bạn đảm bảo đủ ý, điều này còn thể hiện sự thông minh của bạn trong cách viết. Chia luận điểm còn giúp bạn nhận ra đâu là trọng tâm cần đạt được. 

Bình luận trên cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật

Ở phần nghị luận văn học, cần chú ý đến đặc thù của văn chương nghệ thuật: là đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Cho nên, cần phân tích song song hai khía cạnh này. Ngoài ra nhấn mạnh sự dụng công của tác giả. Cần thể hiện được đó là biện pháp nghệ thuật nào, có tác dụng gì và gửi gắm thông điệp nội dung gì. Tránh việc bình luận suông một yếu tố sẽ dẫn đến bài văn thiếu ý, không thuyết phục.

Đưa dẫn chứng tiêu biểu

Ông bà ta có câu:  “Nói có sách, mách có chứng” để thuyết phục người khác tin tưởng vào ý kiến, quan điểm của mình cần hai yếu tố: thứ nhất là lí lẽ, thứ hai là dẫn chứng. Khi đã có những lí lẽ đủ mạnh, sâu sắc và tinh tế, người viết cần chọn được những dẫn chứng, minh họa cụ thể, tiêu biểu để làm nổi bật bài văn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chọn lọc dẫn chứng, đưa vào bài thì bài văn ấy sẽ mắc ỗi diễn suôn, mang một lối văn thuyết phục nửa vời, thiếu trọng tâm. Cho nên, sau khi chọn được dẫn chứng người viết cần phải triển khai, phân tích, bàn sâu vào những khía cạnh của dẫn chứng ấy để từ đó bài viết tạo được điểm nhấn.

Phân chia bố cục bài văn

Năm nay đề thi sẽ có phần kiến thức lớp 11, đề sẽ rơi vào dạng liên hệ hoặc so sánh. Như vậy bạn cần lưu ý một số điểm như sau:

+ Đối với đề liên hệ, bạn nên phân phần kiến thức 12 chiếm phần trăm lớn hơn.

+ Đối với đề so sánh, giữa phần lớp 12 và 11 tỉ trọng sẽ bằng nhau. 

Bạn phải lưu ý viết trọn vẹn bài, không nên chỉ viết một phần lớp 11 hay chỉ 12.

Trả lời đúng trọng tâm

Đối với những câu hỏi ở phần đọc hiểu, điểm sẽ khoảng từ 0.5 – 1.5, cho nên bạn cần phải trả lời ngắn gọn và đủ ý. Để có câu trả lời xúc tích, bạn cần xác định trọng tâm của câu hỏi nằm ở khía cạnh nào, để đưa ra ý hoàn chỉnh. Thông thường, các bạn sẽ dùng câu dẫn dắt gián tiếp khi trả lời – điều này là không nên trong phần đọc hiểu, bởi nó sẽ khiến ta mất thời gian. Với thời gian làm bài là 90 phút, hãy đánh vào trọng tâm để phần Làm Văn được đầu tư hơn.

Ở những câu hỏi về học thuật, chúng ta nên trả lời theo công thức như sau:

  • “Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là..”
  • “Nội dung của đoạn văn trên là:..”

Cách trả lời như trên sẽ giúp bạn dễ đạt điểm tròn cho phần đọc hiểu.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button