Danh Sách Tổng Hợp

Top 12 Kiến trúc nổi bật nhất do Pháp xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh

Các công trình kiến trúc của nước ngoài xây dựng trong lòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, nó như một sự giao thoa của quá khứ xen lẫn hiện tại, đẹp đến nao lòng. Dưới đây, là top 12 công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ 18 – đầu thế kỉ 20 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà hát lớn Thành Phố

Tọa lạc: Số 7, công trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là nhà hát có tuổi đời lâu nhất ở thành phố, được khởi công xây dựng năm 1898 đến 1900 thì hoàn thành. Được thiết kế bởi các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret. Nhà hát lớn Thành Phố là nhà hát trung tâm, chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật và các sự kiện. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Tây Âu.
Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ trang thiết bị. Ngoài tầng trệt còn 2 tầng lầu với tổng cộng 1800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Đây được xem là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến với TP. Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Đức Bà

Tọa lạc: Số 1, Quảng trường Công xã Paris, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Nằm ngay trung tâm Quận 1, đây là điểm đến thu hút giới trẻ và khách tham quan bậc nhất thành phố. Được xây dựng vào năm 1877 và hoàn thành năm 1880, với lối kiến trúc kiểu Roman do kiến trúc sư người Pháp Bourard thiết kế. Nhà thờ không có hàng rào bao quanh mà nằm ngay giữa lòng đường xe cộ tấp nập. Toàn bộ vật liệu đều được mang từ Pháp sang. Mặt ngoài được xây bằng gạch đỏ, không tô trát, cho đến nay vẫn giữ được màu sắc nguyên vẹn. Nhà thờ có hai tháp chuông, có tải trọng khoảng 27 tấn. Phía trước nhà thờ là tượng Đức mẹ Hòa Bình cao 4,2 mét, được mang từ Rome sang. Thánh đường của nhà thờ có sức chứa lên đến 1200 người.

Dinh Độc Lập

Tọa lạc: Số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, dinh Độc Lập được Chính phủ Việt Nam xếp vào di tích quốc gia đặc biệt. Dinh được xây dựng theo bản thiết kế của kiến trúc sư Hermite, khởi công vào năm 1868 đến năm 1871 thì hoàn thành.
Công trình này được xây cất có diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn và khuôn viên rộng với cây xanh và thảm cỏ. Nguyên vật liệu xây dựng hầu hết đều được mang từ Pháp sang. Dinh gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Dinh Độc Lập là một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu khi đến với TP. Hồ Chí Minh.

Khám Chí Hòa

Tọa lạc: Số 1, Hòa Hưng, Phường 13, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi đảo chính Pháp, Nhật cho xây dựng khám vào năm 1943, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế. Tuy nhiên khi công trình chưa hoàn thành, Nhật rút khỏi Việt Nam. Người Pháp tiếp tục cho xây dựng, hầu hết nguyên vật liệu đều được mang từ Pháp sang. Đến năm 1953 thì khám Chí Hòa được xây dựng hoàn chỉnh.
Với tổng diện tích 7 ha, khám có 3 tầng và gồm 238 phòng giam. Nơi đây dùng để giam tù nhân chính trị, chống Pháp và chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Khám được xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái, có hình bát giác với 8 cạnh bằng nhau.  Chí Hòa chỉ có một cửa vào nên người ta gọi đó là “cửa tử”, Với lối kiến trúc này thì phạm nhân đã vào đây thì khó mà thoát ra được.
Bên cạnh đó, Chí Hòa còn gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, tâm linh. Ngày nay, khám Chí Hòa được Công an TP. Hồ Chí Minh dùng để giam giữ các phạm nhân trong địa bàn.

Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Tọa lạc: Số 131, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Công trình được xây dựng từ năm 1881 – 1885, do hai kiến trúc sư Foulhoux và Bourard thiết kế. Tòa nhà được xây theo hình chữ H, gồm 2 tầng và một tầng hầm. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Châu Âu và La Mã, văn hóa Phương Đông và phương Tây. Nổi bật nhất là hai bức tượng Nữ thần Công Lý và nữ thần Đoàn Kết được đặt hai bên cầu thang. Trên tường và trần nhà có rất nhiều phù điêu và hoa văn trang trí.
Hiện nay, tòa nhà được bố trí cho 4 cơ quan làm việc, đó là Tòa án Nhân dân TP. HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao TP. HCM, Viện kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố III.

Bưu điện trung tâm Thành Phố

Tọa lạc: Số 2, Quảng trường Công xã Paris, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Được xây dựng từ 1886 – 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Mang phong cách châu Âu kết hợp phương Đông.Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn.
Bên ngoài, phía trước ngôi nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín, ngành điện và các danh nhân người Pháp. Đặc điểm ấn tượng nhất khi tham quan bên trong tòa nhà là những mái vòm cong tròn lớn ở cửa vào, dọc trần và hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. tất cả được chạm khắc công phu và tinh xảo.
Bất cứ du khách nào một lần đặt chân tới Sài Gòn cũng không thể nào bỏ qua địa danh tham quan đặc biệt ấn tượng này.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Tọa lạc: Số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Được xây dựng từ 1926 – 1928, do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thực hiện. Khi khởi xây, công trình này định làm Viện Triển lãm Mễ cốc (Musée du Riz), sau định làm Viện Triển Lãm Kinh tế (Musée économique), nhưng cuối cùng lại quyết định làm Bảo tàng (Blanchard de la Brosse).
Phần giữa công thự có một khối bát giác, nóc mái có gắn vật trang trí hình rồng, hình phụng cách điệu. Vì vậy, công trình này mang hơi hướng của kiến trúc cổ Trung Hoa.
Ngày 1 tháng 1 năm 1929, Bảo tàng mở cửa đón tiếp công chúng lần đầu tiên.

Khách sạn Continental

Tọa lạc: 132 – 134 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Khách sạn bắt đầu xây vào năm 1878 và hoàn thành năm 1880, do ông Pierre Cazeau xây dựng. Ông Pierre Cazeau muốn xây dựng khách sạn để làm nơi nghỉ chân cho người Pháp khi sang Việt Nam.
Continental với tông màu trắng chủ đạo, làm nổi bật sự quý phái và sang trọng. Mang phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp với trần nhà cao, ngói đỏ. Khách sạn cao 4 tầng, gồm 83 phòng và sân vườn rộng rãi ngay bên trong khuôn viên khách sạn.
Ngày nay, khách sạn Continental không chỉ là khách sạn lâu đời nổi tiếng, mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến với TP. Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Tọa lạc: Số 97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp Rivera thiết kế vào năm 1929 và xây xong vào năm 1934. Chủ tòa nhà là ông Hui Bon Hoa – một thương nhân giàu có và nổi tiếng đất Sài Thành bấy giờ. Năm 1987 tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và đi vào hoạt động năm 1992.
Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.514 mét vuông, theo lối kiến trúc kết hợp Á – Âu. Các ô cửa kính và sàn nhà có hoa văn đa dạng, mang đậm phong cách nghệ thuật châu Âu. Bảo tàng là công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, buồng thang máy bằng gỗ, được trang trí và chạm trổ. Tòa nhà cao 4 tầng với 2 dãy nhà ngang và 2 dãy nhà dọc khép kín, tạo thành một giếng trời ở giữa.
Ngày nay, bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá và là báu vật quốc gia, là nơi thu hút nhiều du khách yêu nghệ thuật.

Chợ Bến Thành

Tọa lạc: Quảng trường Quách Thị Trang, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Cửa Đông nhìn ra đường Phan bội Châu, Cửa Tây – Phan Chu Trinh, Cửa Nam – Lê Lợi, Cửa Bắc – Lê Thánh Tôn. Trước đây chợ cũ Bến Thành nằm bên bờ sông Bến Nghé, sau khi Pháp chiếm Gia Định, ngôi chợ bị thiêu hủy. Năm 1860. Pháp cho xây cất lại chợ trên nền đất cũ. Tuy nhiên, khoảng 1911, ngôi chợ trở nên tồi tàn và có nguy cơ sụp đổ. Vì vậy, người Pháp đã lựa chọn một địa điểm mới để xây dựng chợ – đó chính là Bến Thành ngày nay.
Ngôi chợ mới do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với diện tích 13.056 m². Là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất, Bến Thành còn là điểm đến hấp dẫn du khách và là biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh.

Bến Nhà Rồng

Tọa lạc: Số 1, Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Bến Nhà Rồng được xây vào năm 1863, là trụ sở thương cảng của Sài Gòn, nằm bên sông Sài Gòn. Đây là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng.
Công trình có lối kiến trúc phương Tây nhưng nóc lại mang kiến trúc phương Đông. Tòa nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” nên thường được gọi là “Nhà Rồng”, do vậy bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên Bến Nhà Rồng. Sau này Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài.
Bến Nhà Rồng là địa điểm gắn liền với giai thoại của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử và trở thành bảo tàng Hồ Chí Minh. Đến nay bảo tàng có đến 11.372 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh

Tọa lạc: Số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1909, do kiến trúc sư Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ, một hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gương đi chinh phục thuộc địa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan hành chính nhà nước nằm trong hệ thống hành chính Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button