Danh Sách Đặc Sản

Top 9 Món ăn đặc sản của Bình Định

Khi đến với miền đất võ Bình Định bạn không thể bỏ qua những món đặc sản hấp dẫn này.

Bánh xèo

Đến Bình Định muốn thưởng thức cái hương vị rất riêng của ẩm thực miền đất võ thì bạn không thể bỏ qua bánh xèo Mỹ Cang. Cái ngon của bánh xèo nơi đây ngoài cách làm bột, đổ bánh sao cho giòn, làm nước chấm sao cho ra cái vị nước mắm mà còn nằm ngay ở những con tôm đất mang đủ cái tươi ngon của vùng sông nước khu Đông. Tôm đất còn tươi rói nhảy lách đách trên rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh trên lò than. Hơn chục con tôm trong một lá bánh xèo. Và chỉ có con tôm đất mới có được vị ngon, béo, giòn như vậy. Nếu đã dừng chân ở Bình Định thì đừng quên ghé chân thưởng thức món bánh này bạn nhé.

Nem chợ huyện

Có thể nói rằng nem là tinh hoa của thú ẩm thực, là đặc sản đặc biệt là ở Bình Định. Nem chợ huyện ngon chủ yếu là nhờ khâu chọn thịt. Thịt phải là thịt heo cỏ từ 6- 8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại, heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm và lấy khoảng 15kg thịt nạc lọc từ 4 đùi. Có hai loại nem là nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay, còn nem chua thì để được lâu. Ăn nem phải ăn kèm với nước chấm, nhất là nước mắm ngon pha loãng với đậu phộng. Nem chợ huyện vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt, dai, giòn, thơm, béo nên ăn dẫu có nhiều cũng không ngán. Hiện nay giá của loại nem này khoảng chừng 40 nghìn/10 chiếc. Nem chợ huyện đã tạo nên một thương hiệu, một đặc sản cho miền đất võ Bình Định.

Bánh hỏi Bình Định

Đã đến với Bình Định thì đây là một món ăn du khách không thể bỏ qua. Bánh hỏi được làm từ bột gạo, là loại gạo tẻ ngon hoặc gạo thơm. Ở các chợ quê bánh hỏi thường được để trong thúng lót sẵn lá chuối và đậy kín ở trên. Khi ăn bánh mới được phết một lớp lá hành hoặc lá hẹ xanh thái nhỏ kèm hành khô ở trên tùy theo khẩu vị từng người. Bánh hỏi được người dân Bình Định rất yêu thích và thường ăn kèm với thịt heo luộc hoặc thịt heo quay, đôi khi là ăn kèm với một tô cháo lòng thì hết ý. Nếu có dịp đến với miền đất thượng võ này thì bạn đừng quên thử món ăn dân dã này nhé.

Bún tôm

Bún tôm là đặc sản của làng quê Châu Trúc. Bún được làm ra từ gạo kết hợp với tôm tươi được đánh bắt từ đầm lên, đơn giản như một cộng một bằng hai vậy mà bất kì ai một lần ăn tô bún tôm Châu Trúc đều da diết không quên được cái mùi vị mộc mạc, nồng nàn của nó. Cái ngon của bún là vị tôm ngọt lành, tươi mát của tôm đồng, là vị mặn của bún gạo, vị cay của tiêu ớt, vị nồng của củ hành, vị ngậy, bùi mà không ngấy của nước bún. Bún tôm Châu Trúc đã trở thành món quà sáng giản dị, bình dân nhưng được nhiều người ưa chuộng. Muốn thưởng thức tô bún tôm cũng rất đơn giản, chỉ khoảng từ 10 nghìn đồng là ta có thể tha hồ thưởng thức hương vị quê đồng cỏ nội trong tô bún Châu Trúc. Thế nên ai đi xa về cũng ráng để dành bụng ăn vài tô bún tôm… cho đã thèm.

Cua huỳnh đế

Là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Đề Gi. Theo như lời kể của ngư dân thì cua có tên gọi như vậy sở dĩ vì ngày trước mỗi khi bắt được cua này người dân đều phải đem dâng cho vua. Tương truyền rằng khi vua Gia Long còn lánh nạn, có lần đến hòn Tranh, thấy ngư dân bắt được loại cua có vỏ màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên đã ăn thử. Càng ăn càng thấy ngon nên ông đã đưa nó vào danh sách những món ăn tiến vua. Và cũng từ đó thứ cua biển này được đặt tên là cua huỳnh đế và xem nó như biểu tượng của sự may mắn. Loài cua này phân bố rất nhiều ở ven biển miền Trung nhất là  Bình Định. Thành phần dinh dưỡng của nó cũng rất cao, cứ 100g cua cung cấp 103 kcalo, 17,5g chất đạm, 0,6g chất béo, 7,0g carbohydrate, 141mg canxi, 191mg photpho và nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Thực khách sành điệu thường ăn hai món ngon và đơn giản nhất đó là hấp ăn với muối tiêu, ớt xanh và cháo cua huỳnh đế. Và giá thành là khoảng 800 nghìn đồng cho 1 kí cua.

Bánh ít lá gai

Nhắc đến Bình Định thì không thể bỏ qua loại bánh đặc sản này. Bánh được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng. Ngoạm một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cây nồng của gừng, tạo một cảm giác khoái khẩu và rất riêng. Theo lời giải thích của người dân Bình Định thì trong lá gai có vị thuốc trừ đau bụng vì vậy bạn có thể ăn thoải mái mà không sợ bị đầy hơi. Du lịch ở Bình Định về bạn cũng đừng quên mua quà cho gia đình nhé, giá mỗi chiếc bánh ít chỉ khoảng 3.500 đồng mà thôi.

Rượu Bàu Đá

Tên gọi của rượu do được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc- huyện An Nhơn- tỉnh Bình Định. Bàu Đá là tên một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước dùng để chưng cất rượu. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Ngày nay phong trào nấu rượu ở làng nghề phát triển rất mạnh nhưng chất lượng đang bị suy giảm. Tuy vậy vẫn có những gia đình giữ được truyền thống nấu xưa nay cho phẩm chất tốt. Dù là đặc sản nhưng giá của chúng cũng rất bình dân, chỉ khoảng 26 nghìn cho một lít rượu. Du khách có thể tha hồ mua làm quà cho người thân và bạn bè. Muốn có được lít rượu Bàu Đá ngon nhất thì phải tìm đến đúng những hộ dân nấu ngay tại làng nghề truyền thống Bàu Đá. Bởi cái hồn của rượu Bàu Đá được tạo nên từ chính nguồn nước ngầm của làng nghề. 

Bún chả cá

Ai đã từng ăn bún chả cá Quy Nhơn chính tông sẽ không thể nào quên được hương vị mặn mà và ngọt ngào của miếng chả, miếng bún và cả từng sợi rau ăn kèm. Điểm nhấn của món ăn là phần chả cá được làm từ những con cá thu thịt ngọt và phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải, cùng nước lèo nấu từ xương và đầu cá thu trong veo và ngọt tự nhiên làm cho bất kì ai một lần nếm thử đều không thể quên được hương vị đậm đà của nó. Giá cho mỗi tô bún chả cá nằm từ 10- 20 nghìn đồng, du khách có thể bắt gặp ở bất kì đâu trong thành phố Quy Nhơn. Đừng quên ghi món ăn này vào danh sách thực đơn  của mình nhé.

Mắm nhum

Từ vĩ tuyến 13 đến 17 của vùng biển Việt Nam nơi nào cũng có nhum nhưng món mắm nhum đặc sắc dùng để dâng vua ngày xưa hình như chỉ có ở Phù Mỹ- Bình Định. Nhum là một loài động vật nhuyễn thể có họ hàng với trai sò. Nhum để làm mắm phải là nhum ta màu đen. Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những vị khách khó tính nhất trong giới sành ăn. Thực khách có thể tìm mua loại mắm này ở các cửa tiệm ở Phù Mỹ, giá mỗi chai 500ml khoảng 230 nghìn.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button