Danh Sách Tổng Hợp

Top 8 Trò chơi trung thu tập thể cho thiếu nhi hay nhất

Bao giờ cũng thế, trung thu chính là dịp để các bạn nhỏ được nghỉ ngơi và hòa mình vào các hoạt động vui chơi giải trí hay đơn giản chỉ là được ăn những chiếc bánh truyền thống. Để tết trung thu trở nên ý nghĩa hơn với các bé, cha mẹ/thầy cô đừng bỏ qua những trò chơi tập thể trong chương trình trung thu cho thiếu nhi được liệt kê dưới đây nhé!

Trò chơi trung thu tập thể: Nhảy vòng

Nhảy vòng cũng là một trò chơi tập thể vô cùng thú vị cho thiếu nhi mỗi khi trung thu về. Không chỉ tạo nên không khí tươi vui mà đây còn là trò chơi vận động giúp trẻ phấn khích, rèn luyện sự nhanh nhẹn rất tốt. 

Số lượng người chơi gồm: 10 em trở lên, chia làm 2 đội chơi.
Cách chơi như sau:

  • Oẳn-tù-tì để tìm ra đội nhảy trước (A), đội còn lại (B) thì cầm tay nhau ngồi xổm, tạo nên một “hàng rào” vòng tròn. Từng cặp “bàn tay liên kết” đặt chùng xuống chạm mặt sân chơi làm “cửa bẫy”, vào tư thế sẵn sàng hất lên khi đối thủ nhảy qua…
  • Các thành viên đội nhảy A đi lại quanh vòng ngoài, chọn thời điểm mất cảnh giác của một cửa bẫy đội B để bất ngờ nhảy lọt vào trong vòng. Nếu nhảy được thì đội B phải “mở cửa” đúng vị trí đó cho cả đội A vào. Đội A thắng trận lại tiếp tục tìm cơ hội khác để vượt vòng đội B ra ngoài. Và cứ tiếp tục ra vào như thế nếu đội nhảy còn thắng…
  • Trường hợp cửa bẫy của hàng rào đội B kịp thời hất lên tạo ra được chướng ngại vật và chạm được vào chân người nhảy của đội A, thậm chí có thể khiến đối thủ bị ngã, thì đội A coi như bị thua và phải ngồi xuống thay thế tạo vòng nhảy cho đội B xung trận…

Lưu ý, cặp “bàn tay liên kết” khi hất lên gây chướng ngại có thể cao thấp tùy ý, thế nhưng người chơi của đội tạo vòng nhảy phải luôn giữ nguyên ở tư thế “ngồi xổm”. Nếu cặp nào đó đứng lên để hất là vi phạm nội quy chơi và đội chơi coi như đã bị thua trận ấy.

Trò chơi trung thu tập thể: Múa lân

Múa Lân hay còn gọi là múa Sư tử vào Tết Trung Thu được biết đến là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa đã có từ hàng ngàn năm trước. Theo dân gian, múa Lân trong đêm Trung thu chính là tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân (một con vật thần thoại huyền bí chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị), cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, nhà nhà đều gặp được nhiều may mắn.

Đối với thiếu nhi, múa lân chính là một trò chơi luôn được chờ đón mỗi khi trung thu về. Không còn gì hợp lý hơn, nếu trong trong đêm hội trăng rằng múa lân sẽ là một màn mở đầu trước khi bắt đầu các trò chơi cũng như các tiết mục văn nghệ. Để giúp trẻ thực hiện được những màn múa lân đẹp mắt, đúng nhịp điệu, đúng hình thức thì cha mẹ/ thầy cô hãy cần chuẩn bị những thứ sau: một cái trống cỡ vừa, vẽ mặt nạ lân, ông địa, thần tài. Đồng thời hướng dẫn trẻ vào vai và chạy vòng theo nhịp trống để tạo nên bầu không khí sôi động nhất có thể.

Trò chơi trung thu tập thể: Cam quýt mít dừa

Từ lâu, ”Cam quýt mít dừa” đã được xem là một trò chơi quen thuộc của trẻ em miền Bắc và vẫn thường được tổ chức mỗi khi trung thu về. 

Số lượng người chơi: 8 người, lứa tuổi khoảng 8-13.
Cách chơi như sau:

  • Trong nhóm sẽ có một bé được cử ra làm người “cầm cái” đứng ngoài, những bé lại xếp thành hàng ngang và đựợc đặt tên thứ tự theo 7 loài quả: Cam – Quýt – Mít – Dừa – Dưa – Hồng – Cậy. Mỗi bé sẽ đứng độc lập với nhau và đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành hình một cái bát hứng. Cách hàng ngang này 10 – 15m, vẽ một đường thẳng để làm đích đến.
  • Trò chơi bắt đầu khi bé cầm cái sẽ cầm một quả banh nhỏ hay trái cây, bất ngờ đặt vào bát hứng của 1 trong 7 bé còn lại. Bé nhận cái phải nhanh chóng chạy về vạch đích, trong khi đó, 2 người sát 2 bên sẽ tìm cách ngăn lại. Nếu bé này về được đến đích thì có thể gọi tên bất cứ một loại quả nào để cõng mình về. Khi đã trở về vị trí ban đầu, trò chơi sẽ tiếp tục được lặp lại.

Lưu ý là bé không được làm rơi quả banh xuống đất hoặc bị giữ lại. Nếu xảy ra một trong 2 điều này thì bé sẽ phải quay về vị trí ban đầu.

Trò chơi trung thu tập thể: Rồng rắn lên mây

Là một trò chơi trung thu dân gian vô cùng vui nhộn, ”Rồng rắn lên mây” luôn mang đến những tiếng cười sảng khoái, những khoảnh khắc thú vị cho các bạn nhỏ. Một nhóm chơi thường từ 5 em trở lên, trong đó sẽ có một em đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại thì nối đuôi, vừa đi vừa đọc: “Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Có cái nhà điểm binh. Có ông chủ ở nhà không?” rồi dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ trả lời “có” hoặc “không”. Nếu nghe trả lời “không”, trẻ sẽ đi và vẫn tiếp tục đọc những câu trên. Nếu trả lời “có”, trẻ sẽ hỏi: Ông xin khúc nào? Ông chủ có thể nói: Cho xin khúc giữa? Cả nhóm: “Tha hồ mà đuổi”. Sau câu trả lời đó, ông chủ chạy sao cho chạm được “khúc” (người) mà mình đã xin. Những người đứng đầu nhóm dang tay che cho người được xin sao cho không bị bắt. Nếu ông chủ bắt được thì người đó sẽ làm ông chủ và chơi lại từ đầu.

Trò chơi trung thu tập thể: Truy tìm báu vật

Nếu chương trình Trung thu được tổ chức ở không gian với diện tích rộng và nhiều người quản lý thì ”Truy tìm báu vật là một trò chơi” là một trò chơi trung thu tập thể rất đáng được tổ chức để các bé tham gia. Cha mẹ/thầy cô hãy chia các bé thành các nhóm, mỗi nhóm đều phải có người hướng dẫn, lên kế hoạch rõ ràng về một chuỗi các trò chơi, mỗi trò chơi lại ẩn chứa một thông điệp mà sau khi chinh phục được toàn bộ các trò chơi, các bé có thể xâu chuỗi những thông điệp đó để tạo thành một thông điệp chung, và điều này cũng chính là chiếc chìa khóa để mở ra kho báu. Để tạo nên tính hấp dẫn và thu hút các bé, kho báu ở đây có thể là một chiếc hộp chứa đầy bánh kẹo, đồ chơi bên trong.

Lưu ý: số lượng bánh kẹo, đồ chơi phải đủ nhiều để bé nào cũng có phần nhé. Khi tổ chức trò chơi Trung thu này, cha mẹ/thầy cô cần lưu ý luôn luôn có người lớn giám sát, kèm cặp các bé.

Trò chơi trung thu tập thể: Chuột nhử Mèo

Chuột nhử Mèo cũng là một trò chơi tạo nên không khí tươi vui cho các bạn nhỏ vào tết trung thu. Sự nhanh nhẹn và khéo léo chính là yếu tố đòi hỏi người chơi cần có khi tham gia trò chơi này.

Số lượng người chơi: 6 – 7 em trở lên.
Cách chơi như sau:

  • Cử ra một bé làm chuột và các bé còn lại sẽ là mèo, ngồi bệt thành vòng tròn quay mặt vào tâm, hai tay quơ ra phía sau lưng đón mồi. Bé làm chuột cầm chiếc khăn (mồi) chạy quanh ngoài vòng tròn và kín đáo thả khăn sau lưng một con “mèo” nào đó, cố gắng làm sao đừng để con ”mèo” đó biết…
  • Chạy hết một vòng, nếu bé làm ”chuột” phát hiện thấy mèo kia chưa biết có khăn mồi sau lưng, thì chuột có quyền cầm khăn mồi lên mà quất mạnh vào vai, vào lưng của chú mèo mất cảnh giác… Con ”mèo” bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, rồi về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.
  • Nếu mèo ranh ma hơn mà phát hiện khăn mồi sau lưng, thì cầm khăn đứng lên và lao đi đánh đuổi chuột kia quanh vòng tròn. Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát.
  • Trò chơi cứ thế liên tục với “chú chuột” mới chính là… “mèo” thắng cuộc.

Trò chơi trung thu tập thể: Chơi ghép hình

Vào tết trung thu, ghép hình cũng là một trò chơi khá thú vị đối với các bạn nhỏ. Cha mẹ/thầy cô có thể chia các bé thành những nhóm nhỏ, phân chia không gian cho các nhóm sao cho hợp lý, sử dụng đạo cụ là các tấm bảng và các mảnh ghép để các bé dán lại tạo thành một hình có ý nghĩa liên quan đến tết Trung thu. Chính vì là một trò chơi mang tính tập thể, vậy nên ch mẹ/thầy cô cần chọn những mảnh ghép có kích thước lớn có thể bằng cuốn vở là hợp lý nhất. Kích thước tổng thể của bức tranh cần ghép là khoảng 3×1 mét, mỗi nhóm chơi có khoảng 5 – 10 em là vừa.

Chất liệu mảnh ghép cha mẹ/ thầy cô nên dùng là format, vừa rẻ tiền mà lại vừa nhẹ lại không dễ hỏng, vô cùng thích hợp với trẻ nhỏ. Mỗi bức ghép nên có một hình mẫu nhỏ để các bé biết được nội dung bức tranh cần ghép là gì. Đội nào ghép đúng hình và nhanh hơn thì sẽ là đội giành chiến thắng và được tặng quà là búp bê, gấu bông hay ô tô…

Trò chơi trung thu tập thể: Rước đèn ông sao

Ngày nay, dù là thành thị hay nông thôn thì cứ mỗi độ trung thu về, trẻ em lại được tổ chức cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, phố phường. Không chỉ có đèn ông sao truyền thống, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau chẳng hạn như: đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, hình con thỏ…muôn hình muôn dạng muôn màu sắc khiến cho đêm hội trăng rằm thêm phần lung linh, nhộn nhịp. Kèm theo đó là những lời ca đầy hồn nhiên, trong trẻo như càng làm cho cái bầu không khí náo nức hơn bao giờ hết. Có thể nói rước đèn đã trở thành một trong những trò chơi tập thể luôn được thiếu nhi mong đợi trong đêm trung thu.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button