Danh Sách Tình Yêu

Top 5 Truyện hay nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Ngày xưa có một chuyện tình – 18/09/2016

“Tôi làm tất cả, chỉ vì tôi tin rằng tình yêu không thuần túy là cảm xúc mà còn là một nỗ lực lớn lao để thu hẹp mọi khoảng cách, san bằng mọi hố sâu, cuối cùng để ai cũng có thể tìm thấy cho đời mình một chỗ nương náu đáng tin cậy. Cho đến tận khi đám cưới diễn ra tôi chưa một lần đắn đo tôi sẽ có một người vợ như thế nào mà chỉ băn khoăn Miền sắp lấy một người chồng như thế nào, và tôi cố tự hoàn thiện mình mỗi ngày để em có thể yên tâm về điều đó.”

Tác phẩm xuyên suốt 3 đối tượng: tôi, em và người ấy. Việc sử dụng lời kể của nhiều nhân vật Vinh, Phúc, Miền luân phiên nhau càng làm nội dung thêm cuốn hút. Câu chuyện viết về tình cảm của Vinh dành cho Miền là thứ tình cảm lặng lẽ, dù chịu quá nhiều tổn thương, Vinh vẫn âm thầm chịu đựng. Khi Miền gặp Phúc- bạn thân của Vinh, ở cái tuổi mới lớn, với sự bỡ ngỡ và ngây thơ, Miền đã bất chấp cả Vinh để đến bên Phúc. Rồi một ngày, Phúc biến mất không một dấu vết. Sau nhiều biến cố, với lòng cao thượng và tình yêu mãnh liệt của mình, Vinh hỏi cưới Miền, nhận bé Su ( con của Phúc và Miền) làm con và có cuộc sống êm ấm, những tưởng mọi sự đã kết thúc đẹp đẽ tại đó, khi Phúc bất ngờ quay về, Miền đồng ý bỏ trốn cùng Phúc, khi biết chuyện Vinh lặng lẽ ra đi để mọi chuyện được êm xuôi. Nhưng đêm ấy Miền không đi, Phúc cũng tự ý rời đi một mình. Và khi Vinh trở về, một cái kết viên mãn được mở ra cho tất cả.
Câu chuyện tình ấy không còn chỉ là tình yêu mang tính bản năng giữa các nhân vật, mà có nhiều hơn sự chiêm nghiệm, suy ngẫm để nhận ra những giá trị cao điểm của một trong những thứ cảm xúc khó lý giải nhất của con người.

Còn chút gì để nhớ – 1988

“Với nhiều người đã trót lớn, tuổi thơ là một nỗi nhớ khó đặt tên. Chỉ đôi lúc bơ vơ nào đó, chợt nhiên cái nhớ bỗng mỏng manh làm nghẹn ngào. Nó vừa rưng rưng hoang mang, vừa huyền hoặc hoang đường.”
Những ham muốn của đứa trẻ chưa lớn thực sự gõ cửa vào một ngày nắng hiền, tuổi mười tám đến vội vàng và không báo trước.

Còn chút gì để nhớ – một tác phẩm hay, một cuộc tình đẹp, một câu chuyện đầy cảm xúc. Đó là những kỷ niệm của Chương, chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đi học, tình cảm tuổi học trò cùng với tất cả những sự hồn nhiên và nhí nhố của những cậu trai, cô gái mới lớn, định kiến xã hội và các tư tưởng chính trị  đã đưa đẩy tình cảm đến nhiều trái ngang, và rồi mấy chục năm sau những kỷ niệm vẫn còn âm ĩ về một thời để nhớ. “Không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ”.

Truyện nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, tình yêu trong sáng thời sinh viên với những bỡ ngỡ rung động đầu đời. Nó khiến cho mình cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Nhưng cũng giống như những tác phẩm khác, một kết thúc buồn là đặc trưng phong cách Nguyễn Nhật Ánh, vì lí do chính trị mà con người yêu nhau không thể đến được với nhau, xa nhau nhưng mãi nhớ về nhau.

Đi qua hoa cúc – 1995

“Có một người đi qua hoa cúc 
 Có hai người đi qua hoa cúc 
 Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình…”

 Đi qua hoa cúc – câu chuyện của Trường tương tư bạn của dì Miên. Sau thời gian ở gần, Trường đã có tình cảm với chị Ngà, từ một cu nhóc hiếu động, ham chơi cậu đã từ bỏ bắn chim sẻ, hái trộm trái cây, câu cá, cậu bắt đầu yêu hoa cúc như tình yêu cậu dành cho chị Ngà, cậu thích những chiều ngồi cạnh chị Ngà ngắm hoa cúc, một tình yêu trong sáng đến lạ, nhưng cậu được đáp lại gì khi chị Ngà chỉ xem cậu như một đứa em trai. Rồi một ngày anh Điền xuất hiện và họ yêu nhau trong sự bất lực của Trường. Xoay quanh câu chuyện còn có tình bạn đáng yêu của Trường và anh em Chửng, cả ba bày biết nhau nhiêu trò hờn dỗi, quậy phá, đánh nhau. Rồi những tình huống éo le, số phận nghiệt ngã đã khiến chị Ngà tìm đến cái chết. Để trốn tránh những kỉ niệm buồn đau, Trường theo một ông chú vào Nam, nói lời tạm biệt với quê hương, với tuổi thơ cùng hai đứa bạn. Và cuối cùng là một niềm an ủi khi tác giả để ngỏ khả năng rằng chị Ngà vẫn còn sống.

Tình cảm đầu đời nào hầu như cũng đẹp đẽ, thú vị. Qua câu chuyện có ai nhận ra mình cũng đã từng có những cảm giác giống như vậy. Và đồng thời cảm thấy cái vị qua những trò nghịch ngợm của anh em Chửng. Cái cách mà tác giả hoàn thiện nhân vật anh em nhà Chửng tuy tinh ranh và đầy mưu mẹo làm bồi hồi nhớ lại quãng thời gian đẹp đẽ đơn thuần của tuổi nhỏ vô tư, ngông cuồng và hiếu động mà bấy giờ nó đã biến mất thuở nào không hay. “Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người… “

Mắt biếc – 1990

“Mùa hè nào gặp gỡ 
Mùa hè nào chia ly 
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ 
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu”
“Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi. Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng phải mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lững trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao..”

Mắt biếc kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Ngạn, tuổi thơ của Ngạn, gắn liền với cô bạn hàng xóm tên là Hà Lan. Là những mối quan hệ bạn bè ngày ngày trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm để rồi tình cảm ấy dần biến thành tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan. Những cám dỗ cuộc đời để rồi có người sa ngã vào vòng tay của người khác, nối tiếp tình yêu với Trà Long để rồi lại dang dở khi Ngạn quyết định ra đi vì nhận ra cái Ngạn yêu là đôi mắt, là “Hà Lan của quá khứ”. Đó là thứ tình cảm không thể không thay đổi. Chỉ là Ngạn không chấp nhận sự thay đổi đó. Ngạn không ở bên Trà Long bởi Ngạn hiểu cảm xúc của mình rằng Trà long chỉ là bóng hình của Hà Lan.

Những hình ảnh trong trẻo trong tác phẩm rừng sim với mỏm đá nơi đón lấy những tia nắng đầu tiên của ngày hoặc rụng rơi những giọt hoàng hôn tím thẫm… Nơi ấy lưu giữ mọi ký ức tuổi thơ. Làng quê là nơi trú ngụ của trái tim, là nơi nương náu của tâm hồn, là nơi gieo mầm và chăm bón mãi cho một mối tình vô vọng. Mặc dù ngốc nghếch, muôn ngàn lần ngốc nghếch nhưng mà đẹp! Mối tình của Ngạn, mối tình của Trà Long thật sự trong lành như những ngọn cỏ. Nhưng sao mà buồn da diết, buồn đến nghẹn lòng đến vậy. Nỗi buồn ấy nhưng thế vẫn điềm nhiên, thanh thản như cái khoảnh khắc chiều muộn buông xuống hiên nhà với vô ngàn tiếng ve kêu. Mắt biếc được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu về Nguyễn Nhật Ánh, khi nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm này. Tác phẩm từng được dịch để giới thiệu với độc giả Nhật Bản.

Ngồi khóc trên cây- 27/06/2013

“Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông. Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng xuyên qua lớp vải. Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát.”

Ngồi khóc trên cây – Câu chuyện viết về Đông- một sinh viên về thăm quê là làng Đo Đo nhân dịp nghỉ hè, tại đây anh quen Rùa một cô bé nhỏ nhắn, có hoàn cảnh đặc biệt, bị bạn bè xa lánh. Đông cảm thương vì hoàn cảnh của cô bé và từ đó tình bạn đẹp giữa họ xuất hiện. Hai người đã có những kỷ niệm thật đẹp tại khu rừng và cả bí mật đằng sau con thác. Sau một tai nạn nhỏ, Đông đã không cầm được lòng mình mà đặt lên môi Rùa nụ hôn đầu đời. Cái chết của ba Rùa được tiết lộ khiến Rùa rơi vào mặc cảm, Đông đau khổ khi biết mình là anh họ của Rùa trong lúc tình cảm hai đứa đang sâu đậm. Anh quay trở về nam sau kỳ nghỉ và không muốn quay trở lại cho tới khi phát hiện mình mắc bệnh. Đông bỏ mặc lí trí để quay về làng nói lời tạm biệt với người thân và mừng rỡ khi biết rằng mình và Rùa không có quan hệ huyết thống, càng tràn trề hy vọng khi biết mình chỉ mắc bệnh thiếu máu. Nhưng không dừng lại ở đó khi Rùa bị lũ cuốn trôi vì cứu giúp trẻ em trong vùng. Đông suy sụp cùng hai người em họ vào rừng để sống lại những kỷ niệm với Rùa, trong lúc đau xót nhìn ngắm cảnh vật năm xưa, Đông nghe như có tiếng hát của Rùa vang vọng. Anh leo lên một cây bứa để quan sát kỹ hơn và rơi những giọt nước mắt khi bắt gặp bóng dáng người mình yêu thương.

Ngồi khóc trên cây” nói về nỗi niềm của những rung động đầu đời một cách thơ ngây của những đứa trẻ, quan niệm rất hồn nhiên mà cũng thật nhân văn của  tuổi thơ, một tình yêu đầu đời trong trẻo, với những cảm xúc nhớ thương, đợi chờ khắc khoải. Cuốn sách còn là những triết lý sống nhẹ nhàng, sâu sắc và ở đó niềm tin lòng tốt là một thứ có thật trên đời, bên cạnh những bất công, éo le sẽ chẳng bao giờ thiếu….

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button