Danh Sách Dịch Vụ

Top 5 Tin tức Giáo dục hot nhất trong ngày hôm nay

Dưới đây là một số tin tức Giáo dục được Danhsachtop tổng hợp và cập nhật đến quý bạn đọc. Mong rằng những thông tin được tổng hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bạn.

An Giang: Cho trẻ tiểu học tạm nghỉ học online để giảm áp lực

Sáng 25/11/2021, Sở GD&ĐT An Giang vừa quyết định cho tất cả giáo viên, trẻ tiểu học nghỉ dạy và học trực tuyến, qua truyền hình trong một tuần. Cụ thể, tất cả giáo viên và học sinh tiểu học được tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình từ ngày 29/11 đến hết ngày 5/12. Ngày 6/12, giáo viên và học sinh tiểu học tiếp tục dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình theo chương trình của tuần học thứ 10.

Trong thời gian tạm nghỉ dạy và học, giáo viên và học sinh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học sau 9 tuần học online. Sở GD&ĐT An Giang cũng khẳng định với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp tối ưu.

28 tỉnh, thành trên cả nước đã tiêm vaccine cho học sinh

Đến sáng 25/11/2021, cả nước có 28 tỉnh, thành đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, một số nơi tiến hành tiêm mũi 2.

Ngày 23/11, Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 15 đến 17 tuổi. Việc tiêm chủng được triển khai theo hình thức giảm dần độ tuổi, cuốn chiếu theo từng trường. Dự kiến, thành phố tiêm 304.140 liều vaccine Comirnaty ( do Pfizer sản xuất) và hoàn thành trước ngày 25/11. Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay đầu tháng 12 sẽ xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại, bậc THPT có thể chuyển sang dạy học trực tiếp trong tháng.

Sáng 27/10, TP. HCM tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Đây là địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi. Trong đợt 1, hơn 673.000 trẻ em tại đây được tiêm chủng. Thành phố bắt đầu tiêm mũi 2 cho trẻ em từ ngày 22/11.

Theo thống kê, hiện tại có 28 tỉnh, thành thực hiện tiêm vaccine cho học sinh trung học: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Hải Dương, Cần Thơ, Hà Nam, Bình Phước, Long An, Bạc Liêu, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Đồng Nai, Lào Cai, Tây Ninh, Cà Mau, Hậu Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Điện Biên, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bình Dương, Ninh Bình.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 2 triệu trẻ em ở 28 tỉnh, thành phố đã được tiêm vaccine mũi 1, trong đó có gần 6.000 trẻ đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 22% dân số 12-17 tuổi.

VinGroup trao 40 tỷ đồng học bổng đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ trong nước

Ngày 24/11/2021, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) trao tặng 300 suất học bổng, tổng giá trị 40 tỷ đồng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc thuộc 13 khối ngành. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Vingroup trao học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao cho đất nước.

Năm nay, Ban tổ chức đã nhận 626 hồ sơ của những ứng viên ưu tú trên cả nước – số lượng ứng viên đăng ký tham gia cao nhất từ trước tới nay. Vượt qua ba vòng xét chọn, 300 ứng viên tiêu biểu nhất (gồm 150 học viên cao học và 150 nghiên cứu sinh Tiến sĩ), thuộc 13 lĩnh vực từ Kinh tế, Giáo dục đến Khoa học – Công nghệ, đã được trao học bổng. Đây đều là những nhà khoa học trẻ xuất sắc, với tổng cộng 748 bài báo quốc tế, 1.322 công trình nghiên cứu, 17 giải nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 57 giải thưởng, danh hiệu học thuật cấp quốc gia. Đặc biệt, trong số đó, có 12 thủ khoa tốt nghiệp đại học, 11 ứng viên được chuyển tiếp sinh từ bậc đại học lên Tiến sĩ và 20% nghiên cứu sinh nhận bằng Thạc sĩ từ nước ngoài.

Với sự đồng hành của Quỹ VinIF và VinBigdata, các học viên sẽ được nhận học bổng trị giá 150 triệu đồng/năm dành cho chương trình Tiến sĩ và 120 triệu đồng/năm dành cho chương trình Thạc sĩ. Tổng mức tài trợ của VinIF đối với 300 suất học bổng được trao năm nay là 40 tỷ đồng.

TP. HCM: Đề xuất hỗ trợ mỗi trường mầm non tư thục hơn 34 triệu đồng

Sở GD&ĐT TP. HCM ngày 24/11/2021 đã có tờ trình về dự thảo Nghị quyết chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại thành phố, gửi đến Thường trực UBND TP. HCM. Theo đó, 3 nhóm đối tượng áp dụng chính sách này gồm:

  • Nhóm thứ nhất, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
  • Nhóm thứ hai, rẻ em đang học tại các cơ sở mầm non dân lập, tư thục có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.
  • Nhóm thứ ba, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục.

Theo đề xuất, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, gồm trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ bình quân là 34.700.000 đồng một cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành. Theo Sở GD&ĐT TP. HCM, qua quá trình tiếp thu, lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, Sở Tài chính thành phố có ý kiến cho rằng mức hỗ trợ theo dự thảo này là phù hợp.

Hà Nội: Đề xuất bỏ môn thi thứ 4 trong tuyển sinh lớp 10

Sáng 25/11/2021, nhiều đề xuất cho rằng Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ tuyển sinh lớp 10.

Sau lễ khai giảng năm học mới đến nay, Hà Nội mới chỉ cho phép học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp. Địa phương cho học sinh tựu trường đầu tiên là Ba Vì. Nhưng đến nay, các em mới chỉ có hơn 2 tuần học tập. Chưa kể, các trường mới chỉ được phép dạy học 1 buổi/ngày. Học sinh ở nhiều quận, huyện vẫn học trực tuyến hoàn toàn, chưa xác định thời gian tựu trường.

Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vốn rất căng thẳng, áp lực cho học sinh cũng như nhà trường bởi tỉ lệ học sinh đậu trường công lập chỉ khoảng 62%. Để cạnh tranh điểm số trong kỳ thi vượt cấp, nhiều học sinh từ lớp 8 đã học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Khi lên lớp 9, Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, các em phải ôn tất cả môn như: Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Công dân.

Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Do Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả môn. Bà Lan cho rằng Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau.

Bà Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có thể gần hết học kỳ 1 học sinh mới được đến trường. Bà Giang kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, thậm chí chỉ nên thi tuyển vào lớp 10 gồm 2 môn Toán, Ngữ văn.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button