Danh Sách Tổng Hợp

Top 5 Cung đèo tuyệt đẹp nhưng hiểm trở nhất Việt Nam

Với những người đam mê nghệ thuật xê dịch, mà đặc biệt là dân phượt, những cung đèo như Mã Pí Lèng, Hải Vân, Pha Đin… không còn là những cái tên quá xa lạ. Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng ở vẻ đẹp hoang vu, tên tuổi những ngọn đèo còn được tạo nên bởi sự hiểm trở khiến người ta ghê rợn.

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Ngay từ cái tên, đèo Pha Đin đã gợi cho người nghe cảm giác bí hiểm, hùng tráng nhưng không kém phần ghê rợn. Trong tiếng Thái, Pha Đin có nghĩa là “trời” và “đất”, ý chỉ nơi đây là sự tiếp giáp của đất trời. Dài 32 mét và nằm trên quốc lộ 6, Pha Đin thử thách dân phượt bằng những đoạn đường khúc khuỷu và khúc ôm cua hiểm trở. Từ trên đỉnh đèo, nhìn xuống phía dưới bạn có thể thấy những chiếc xe khách nối tiếp đi sau chỉ nhỏ bằng con kiến.

Đèo Prenn – Đà Lạt

Mới đây nhất, vụ tai nạn giao thông làm ít nhất 7 người chết trên một xe khách đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Nổi tiếng là cung đường nguy hiểm bậc nhất ở Đà Lạt, đèo Prenn còn được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi vẻ đẹp hùng vĩ giữa núi rừng. Từ trên đèo, càng lên cao không khí càng mát mẻ đến dễ chịu, cả một vùng trời bé xíu được thu lại trong khoảnh khắc. Kì vĩ là thế, nhưng vách sâu hàng trăm mét cheo leo giữa chừng vẫn là nỗi sợ hãi cho bất cứ ai đi ngang qua đây. 

Đèo Ô Qui Hồ – Lào Cai

Xếp đầu tiên trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam với độ cao 2073 mét so với mực nước biển, đây là cung đèo gây được ấn tượng nhất bởi vẻ đẹp thơ mộng từ những ruộng lúa bậc thang thoai thoải bên sườn núi. Ngoài cái tên Ô Qui Hồ, người ta quen gọi nó với cái tên đèo Hoàng Liên hoặc đèo Mây do mây phủ quanh năm. Từ Lào Cai đến Lai Châu, người ta phải vượt qua cung đèo dài 30 mét này với những khúc cua đầy nguy hiểm, chỉ xơ xảy một chút cũng có thể tan xác dưới chân núi.

Đèo Hải Vân – Đà Nẵng

Nằm nhoài mình ra vùng biển Đông xanh ngắt, đèo Hải Vân nối liền hai địa danh Huế và Đà Nẵng, đồng thời là huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước. Men theo quốc lộ 1, bắt đầu vượt sông Nam Ô rồi đến một ngôi làng nho nhỏ, con dốc sẽ cao dần lên như tấm lụa trắng vắt ngang triền núi. Lên đến đỉnh đèo, bạn có thể nhìn thấy  toàn cảnh vịnh và thành phố bên dưới hiện ra đột ngột, đẹp đến sững sờ. Xa xa, dải cát trắng phau của bãi biển Non Nước trải rộng tới tận chân trời, vượt ra tận những tảng đá chênh vênh của Ngũ Hành Sơn. Ở độ cao 492 mét, Hải Vân là thách thức đối với các bác tài khi chạy ôm những khúc cua nguy hiểm, khuất lấp tầm nhìn trong sương mù. Nhiều am, miếu đã lập nên suốt quãng đường đèo để tỏ lòng tiếc thương với những người xấu số khi bị lật đèo ở đây.

Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang

Đây là cung đèo nối giữa hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc – Hà Giang, được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2009. Có dịp chinh phục ngọn đèo này, bạn sẽ được vượt qua những đoạn dốc quanh co ôm lấy núi tai mèo hùng vĩ, ngang qua những triền ngô xanh mát, vài mái nhà rải rác dưới bản, thỉnh thoảng lại gặp vài em bé người Mông đi chăn trâu trên nương về. Đẹp hùng tráng là thế, tuy nhiên Mã Pí Lèng cũng nổi tiếng là nơi hiểm trở. Ở độ cao hơn 2000 mét, chỉ cần lái xe xảy tay một chút là bạn có thể rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào. Chưa kể những khúc cua khuất tầm phải chạy theo quán tính. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều phượt thủ bỏ xác tại nơi này vì những tai nạn thảm khốc trên cung đèo.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button