Danh Sách Dịch Vụ

Top 10 Tỉnh, thành phố thu hút FDI nhiều nhất Việt Nam

Các tổ chức hiện nay dùng nhiều chỉ số để đánh giá sự năng động của một địa phương: Tăng trưởng, thu ngân sách, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài… Trong số 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam, nhiều địa phương gần như có mặt ở top đầu của hầu khắp các “bảng xếp hạng”. Dưới đây là top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI nhiều nhất Việt Nam.

Đồng Nai

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai,trong năm 2022, địa phương phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, riêng các khu công nghiệp trên địa bàn khoảng 700 triệu USD và ngoài khu công nghiệp là 400 triệu USD. Hiện nay, Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục về đất đai để xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, có nhiều khu công nghiệp đang tiến hành mở rộng như: Amata, Giang Điền, Hố Nai, Sông Mây, Ông Kèo, Định Quán.

Hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai có thể vận chuyển đi các địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển. Do đó, nếu tỉnh Đồng Nai hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, có sẵn đất cho thuê thì sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Ngoài phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai cũng có 15/27 cụm công nghiệp đã quy hoạch và có dự án đi vào hoạt động với khoảng 190 dự án. Diện tích đất đã cho thuê là 357 ha, bằng khoảng 38% tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê. Một số cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông, các hạng mục môi trường và thu hút được nhiều dự án đầu tư là: Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh 33 dự án, Cụm công nghiệp Phú Thạnh – Vĩnh Thanh 32 dự án, Cụm công nghiệp Dốc 47 có 27 dự án, Cụm công nghiệp Hố Nai 3 có 24 dự án.

Đồng Nai có chỉ số FDI đạt 34,03 tỷ USD

Hà Nội

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tháng 9/2022, TP thu hút 169,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn TP thu hút 1.019 triệu USD vốn FDI, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú khẳng định, đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong 9 tháng, vốn đăng ký cấp mới 262 dự án đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

Dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Bên cạnh đó, TP tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư trong nước, tổ chức đoàn công tác quảng bá môi trường đầu tư Hà Nội và nghiên cứu đối tác tiềm năng. Đặc biệt, TP Hà Nội là nơi thường xuyên được chọn tổ chức và tham gia các sự kiện lớn trong nước, sự kiện văn hóa thể thao lớn… qua đó gắn với công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như hoạt động đối ngoại, văn hóa.

Hà Nội có chỉ số FDI đạt 37,73 tỷ USD

Hải Phòng

Theo Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng, Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 40.156,3 tỷ đồng, tăng 4,10% so với cùng kỳ. trong các dự án FDI tại tỉnh, nổi bật nhất là tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 3 dự án đầu tư thuộc 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, 3 dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG (lớn thứ 4 tại Hàn Quốc và hoạt động chủ yếu trong ngành điện tử, theo Reuters) tại Hải Phòng gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek, với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD, đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ. Trong đó, dự án LG Display với nhà máy H3 đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.

Tính lũy kế đến tháng 9/2022, Hải Phòng đứng thứ 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI với 952 dự án có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 24,51 tỷ USD. Trong đó, hơn 170 dự án đầu tư từ nhà đầu tư Hàn Quốc với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào Hải Phòng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư mới, Thành phố Hải Phòng cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng.

Hải Phòng có chỉ số FDI đạt 24,24 tỷ USD

Bình Dương

Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút 54 dự án FDI mới, 14 dự án tăng vốn. Đầu tư trong nước cũng khởi sắc khi có hơn 4.800 doanh nghiệp đăng ký mới. Đáng chú ý là Lego – doanh nghiệp toàn cầu ngành đồ chơi, với dự án lên tới hơn 1,3 tỷ USD. Ngay sau Lego, Pandora – tập đoàn sản xuất đồ trang sức đến từ Đan Mạch cũng đầu tư 100 triệu USD để xây nhà máy ở Khu công nghiệp VSIP III. Nguồn lao động có tay nghề cao sẵn có, cơ sở hạ tầng được đảm bảo, vị trí địa lý gần sân bay quốc tế và không thể thiếu chính là sự nhiệt tình, sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh. Đó là những yếu tố các nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng và quyết định chọn Bình Dương làm điểm dừng chân.

“Tạo điều kiện cho Bình Dương mang một màu sắc mới, mang hệ sinh thái mới đến Bình Dương, cũng là cách để thúc đẩy kinh tế phát triển hơn”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhận định. Bình Dương cũng đã có 29 khu công nghiệp được đầu tư, với diện tích gần 12.000 ha. Dự kiến, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu với các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, thu hút các ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Bình Dương có chỉ số FDI đạt 39,58 tỷ USD

Long An

Từ đầu năm đến nay, Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án FDI, với vốn đầu tư cấp mới 243,6 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 31 dự án với vốn tăng 151,8 triệu USD. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 395,4 triệu USD vốn FDI; trong đó có 23 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đầu tư cấp mới 243,6 triệu USD, điều chỉnh vốn cho 31 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm là 151,8 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.145 dự án FDI, vốn 9.784,5 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Long An có 726 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn 10.411 tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và giảm 14% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 119 doanh nghiệp giải thể, giảm 17% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 279 doanh nghiệp, tăng 51% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 162 doanh nghiệp, tăng 10% so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14.447 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 358.554 tỷ đồng; trong đó có 11.699 doanh nghiệp đang hoạt động.

Long An có chỉ số FDI đạt 12,55 tỷ USD

Hà Tĩnh

Mặc dù số dự án thu hút thấp hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng số vốn đăng ký đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Tĩnh vẫn đạt 2.121 tỷ đồng, tăng 42%. Các dự án có vốn đăng ký đầu tư cao gồm: Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh (Thạch Hà) có tổng mức đầu tư hơn 952 tỷ đồng; Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền (TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 796 tỷ đồng; Khu nhà ở tại phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.451 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 445.365 tỷ đồng, trong đó có 1.384 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 131.921 tỷ đồng và 67 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 313.444 tỷ đồng. Được biết, từ đầu năm đến nay, các hoạt động xúc tiến đầu tư được Hà Tĩnh tích cực triển khai. Đặc biệt là các hoạt động cung cấp thông tin và hướng dẫn các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Vinhomes (thuộc Vingroup) nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty CP Tập đoàn IPC nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện gió tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.

Hà Tĩnh có chỉ số FDI đạt 11,73 tỷ USD

Thanh Hóa

Đến nay, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa thu hút được 671 dự án, trong đó có 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 169.333 tỷ đồng và 66 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13,5 tỷ USD. Vào đầu năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định 371/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa kêu gọi 87 dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật, du lịch và dịch vụ, năng lượng, với tổng mức đầu tư hơn 36,5 tỷ USD. Trong đó, có gần 50 dự án tập trung vào KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa.

Lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật có dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 20-KKT Nghi Sơn (có diện tích 783ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến 250 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 21-KKT Nghi Sơn (539ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến 200 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 19-KKT Nghi Sơn (918 ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN – Đô thị – Dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa (1.200ha tại KCN phía Tây TP. Thanh Hóa), tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD.

Thanh Hóa có chỉ số FDI đạt 14,76 tỷ USD

Bắc Ninh

Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, dân số đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố, nghèo tài nguyên khoáng sản, song Bắc Ninh đã vụt sáng, liên tiếp đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu, sau TP. Hồ Chí Minh. Năm 2021, tiếp nối thành công trên nhưng đậm nét hơn, Bắc Ninh xuất khẩu 44,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2020, vẫn xếp sau TP. Hồ Chí Minh, song Bắc Ninh xuất siêu 6,5 tỷ USD, trong khi đầu tàu kinh tế nhập siêu 15,2 tỷ USD. Nguyên nhân của hiện tượng này chỉ có thể là Bắc Ninh đã thu hút mạnh và hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bắc Ninh nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất của Việt Nam, tuy theo số dự án chỉ đứng thứ 7, nhưng lại đứng thứ 5 về số vốn. Địa phương này có Khu công nghiệp Yên Phong, đứng đầu trong 10 khu công nghiệp của cả nước về vốn FDI đã thực hiện là 9,816 tỷ USD, dù diện tích đứng thứ 3. Có thể nói, Bắc Ninh đã tận dụng được thiên thời, địa lợi và tạo nhân hòa. Cụ thể, tỉnh này nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giao thương thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là với FDI. Việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được quan tâm.

Bắc Ninh có chỉ số FDI đạt 22,69 tỷ USD

Thành phố Hồ Chí Minh

Thông tin tại cuộc họp UBND Thành phố về tình hình kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 vào chiều 30/8, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, tính chung cả vốn từ dự án FDI mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, TP. Hồ Chí Minh thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD, tăng 24,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có gần 480 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 309,4 triệu USD (tăng 24,1% số dự án cấp mới, giảm 17,6% vốn đầu tư so cùng kỳ). Có 96 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,47 tỷ USD, tăng 127,3% so cùng kỳ. Đồng thời, thành phố cũng chấp thuận cho 1.632 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước với vốn góp đăng ký hơn 925 triệu USD.

Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số FDI đạt 55,19 tỷ USD

Bà Rịa – Vũng Tàu

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mặc dù dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng tính đến đầu tháng 10 thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh lại giảm. Cùng đó, vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cũng giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư trong nước lại tăng. Cụ thể, tính đến đầu tháng 10, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn FDI 34 dự án, giảm 2 dự án so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 440 triệu USD, đạt hơn 51% kế hoạch; trong đó, thu hút mới 12 dự án, điều chỉnh vốn là 22 dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp thông qua Tổ công tác hỗ trợ của ủy ban nhân dân tỉnh về tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự kiến tháng 11/2022 tỉnh sẽ triển khai hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 442 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký hơn 29.993 triệu USD; có 688 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký trên 346.315 tỷ đồng.

Bà Rịa Vũng Tàu có chỉ số FDI đạt 33,13 tỷ USD

Bài Viết Bạn Nên Xem

Back to top button