Danh Sách Du Lịch

Top 10 Điểm đến hấp dẫn tại thành phố Sa Đéc , Đồng Tháp

Đình Vĩnh Phước

Đình Vĩnh Phước tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Một thành phố Sa Đéc, được xây dựng vào năm 1807, là một trong những ngôi đình xưa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nằm khép mình trong không gian tĩnh lặng hiếm hoi giữa trung tâm phố thị náo nhiệt bậc nhất Sa Đéc, đình Vĩnh Phước như nốt lặng làm hài hòa bản tấu của đô thị bên bờ sông Tiền thơ mộng. Ở đó, du khách được đưa tâm hồn dạo bước trên sắc rêu phong của mái ngói âm dương xưa cũ, hay ngắm nhìn những bức hoành phi, câu đối, sắc phong hằn màu thời gian và ẩn chứa nhiều thông điệp của người xưa gửi lại… Không chỉ lưu giữ khá nguyên vẹn nét độc đáo của kiến trúc có gần 200 tuổi, đình Vĩnh Phước (TP Sa Đéc – Đồng Tháp) còn là “hàng hiếm” của đất Nam bộ khi sở hữu đến 6 sắc phong thần của nhà Nguyễn.

Chùa Kim Huê

Chùa Kim Huê, tục gọi là chùa Bông, tọa lạc tại số 41/2, khóm 2 phường I, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Từ những năm 1920-1945, nơi ngôi bảo tự này từng là trung tâm đào tạo gia giáo cho chư Tăng khắp lục tỉnh miền Tây, góp phần tài bồi ra nhiều bậc danh Tăng , tích cực đóng góp cho phòng trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ như: Hòa thượng Hành Trụ, Thiện Tường, Thới An, Huệ Hưng, Từ Nhơn… 

Chùa Kim Huê hiện nay nằm cạnh rạch Cái Sơn thơ mộng với những rặng liễu buông mành bên làn gió nhè nhẹ của xứ miệt vườn. Chùa Kim Huê, được xây dựng từ năm 1806, còn được biết đến dưới một tên khác là chùa Hội Khánh, theo chư Tăng trong chùa cho biết, danh xưng Hội Khánh Tự không biết xuất hiện từ lúc nào, chỉ biết rằng trên đà ngang của ngôi chùa cũ có khắc ba chữ ấy. Người ở đây quen gọi là chùa Bông, bởi lẽ lúc xưa trước chùa trồng rất nhiều hoa, do vậy chùa có tên là Kim Hoa Tự mà lâu ngày được đọc trại thành chùa Kim Huê.

Chùa Kiến An Cung

Kiến An Cung, hay còn gọi là chùa ông Quách, là một ngôi đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Sa Đéc, đối diện với con rạch Cái Sơn. Chùa được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ Phúc Kiến, nên mang đậm kiến trúc Trung Quốc. Gồm 3 gian: Đông lang, Tây lang và khu chính diện rộng lớn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây du kí, Tam Quốc Diễn Nghĩa,… Phía cổng vào là hai con Kì Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy. Điều đặc biệt của chùa Kiến An Cung là toàn bộ chùa chỉ có đòn tay chứ không có kèo. Giữa chánh điện là gian thờ đức Quảng Trạch Tôn Vương được đúc bằng đồng đỏ với gương mặt phúc hậu, tay cầm đai ngọc, bên cạnh là hai vị thần khác, bên phải thờ đức Thanh Thủy Tổ Sư, bên trái là Bảo Sanh Đại Đế. Chùa Kiến An Cung được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 27/4/1990.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm tại vị trí số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ban đầu ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống của miền Tây Nam bộ, rộng 258m2, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý và mái hình thuyền lợp ngói âm dương. Về sau ngôi nhà được trùng tu lại bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thu hút khách du lịch bởi một tình buồn không biên giới của nữ nhà văn Marguerite và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê (chủ nhân ngôi nhà cổ). Đến với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc xưa cổ còn được lưu giữ bảo tồn cho đến ngày nay. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.

Phước Hưng Cổ Tự (chùa Hương)

Phước Hưng Cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ kính, khang trang, tọa lạc tại trung tâm thành phố SaĐéc. Chùa này do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất Sa Đéc sanh cơ lập nghiệp dựng nên cách nay hơn một thế kỷ để thờ Phật. Thời gian sau được đồng bào Hoa-Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương.

Chùa Hương đẹp rực rỡ, kiến trúc hài hòa giữa nội và ngoại thất. Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chót mái lơi ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc nắng mặt trời. Qua cửa Đông Lang để vào chánh điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trỗ hoa văn rất sắc sảo. Trước tổ điện treo một bức hoành phi cạm trỗ rất công phu, giữa là 03 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh. Trước Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương, sau là khu tháp mộ của các vị trụ trì. Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.

Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15 kg được Hòa Thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra đến Hà Nội thỉnh về… Sa Đéc hiền hòa, cây lành trái ngọt, nước sông trong mát, hoa kiểng thanh lịch. Có dịp về đây mời du khách đến với cổ tự Phước Hưng nằm trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng thành phố.

Đảo Phụng Hoàng

Đảo Phụng Hoàng thuộc công viên Sa Đéc, nằm trên đường Tôn Đức Thắng, địa phận Phường 1, cách trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp khoảng 1 km về phía Tây.

Ngoài những tiểu cảnh lãng mạn, đảo Phụng Hoàng còn có 4 con phượng hoàng được kết bằng hoa tươi và 3 chiếc cầu cảnh bắc qua các đảo. Mỗi con phượng hoàng có chiều cao 6m được kết bằng nhiều loại hoa tươi khác nhau như: Cẩm tú mai, dạ yến thảo, xác pháo, kỷ, diễm châu,… Thời điểm đảo Phụng Hoàng đẹp nhất chính là khi bóng tối buông dần. Lúc này, nó lung linh, rực rỡ lạ thường.

Công Viên Sa Đéc

Công viên sa đéc hay người dân ở đây thường hay gọi với cái tên thân thuộc là công viên bác hồ. Đến Sa Đéc chơi chắc hẳn bạn sẽ thấy công viên này liền vì nó rất rộng lớn và qui mô, lại nằm ngay mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, Phường An Hòa, Thành phố Sa Đéc nên không khó để tìm. 

Công viên được đầu tư xây dựng khá rộng lớn, và trang trí quang cảnh cũng rất đẹp tượng có đài chủ tịch hồ chí minh cao lớn được đặt ở giữa.Cây cảnh được trồng và chăm sóc tỉ mỉ đã tạo được vẻ “xanh mát” của một công viên để mọi người có thể đến dạo chơi và giải trí. Không những thế các thảm cỏ cũng được chăm bón và cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên cũng rất ít rác thải nên có thể nói đây là công viên xanh – sạch- đẹp. Những dịp lễ tết còn được tô điểm thêm bằng những bông hoa rực rỡ, làm cho công viên thêm nổi bật hơn nữa.Bên cạnh đó công viên còn được trang trí rất đẹp với dãy thác hoa nằm ngay bên cạnh luôn,công viên còn nổi tiếng vì có giỏ hoa tươi lớn nhất việt na một biểu tượng của thành phố hoa sa đéc.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu ở Sa Đéc có tên đầy đủ là Thất Phủ Thiên Hậu cung, hay còn được gọi là Thiên Hậu Miếu, hay đơn giản là chùa Bà tọa lạc tại số 143 Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Chùa do nhóm người Hoa của tỉnh Phúc Kiến ở Sa Đéc xây dựng. Cũng giống như cách bài trí trong các đền, chùa của người Hoa, khi bước qua bậc cửa chính để vào gian bên trong là một cái sân lộ thiên, để làm nơi tế lễ, lấy khí trời và lối thoát của khói nhang.Ngày Têt hay lễ được khá nhiều người dân cũng như khách phương xa đến cúng. Vào đầy mùa nhang khói, có thể xin keo nữa nhé. Chùa Bà được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lò Gạch Cũ

Đi dọc theo quốc lộ 80, bạn sẽ gặp lò gạch Đức Thành bên bến Sa Giang, lò gạch trăm tuổi này giờ đây đã không còn hoạt động, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn một số du khách tới đây tham quan bạn có thể qua sông bằng một chuyến phà nhỏ.Bên kia sông là những lò gạch hình chóp đỏ nhuốm màu lam cổ kính rực lên dưới ánh nắng vàng tươi, đến đây bạn như lạc bước vào một kim tự tháp cổ đại Ai Cập, màu tường kết bằng gạch đỏ sau bao đợt nung với khuôn cảnh cây cỏ hoang so bao quanh trở thành phông nền độc đáo cho những bức ảnh đậm chất nghệ thuật cho các bạn trẻ khi đến đây.

Làng hoa kiểng thành phố hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc nằm trong địa phận xã Tân Qui Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”. Đây là một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, rộng 60ha với 600 hộ và 3600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh. Những ngày xuân trăm hoa của làng hoa Sa Đéc chen nhau đua nở. Ở đây bán đủ các loài hoa đủ sắc, đủ hương: hồng, lan, huệ… và các loài cây cảnh hình dáng đẹp: khế, tùng, sung, si, mai… Trong không khí ngàn hoa khoe sắc sẽ là phông nền tuyệt đẹp cho những bức ảnh hoàn hảo.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button