Danh Sách Dịch Vụ

Top 10 Dẫn chứng nghị luận xã hội mới nhất

Dẫn chứng đôi khi còn mang tính thuyết phục cao hơn lý lẽ khi làm văn, do đó, để bài viết hay cần chú ý đến việc lựa chọn dẫn chứng hay, tiêu biểu. Để có thể lựa chọn được dẫn chứng phù hợp các yêu cầu của bài NLVH, người viết phải có một gia tài dẫn chứng phong phú và mới nhất. Dưới đây là một số dẫn chứng tiêu biểu, hay nhất bạn có thể áp dụng nó:

Nhà văn “phù thủy” J.K. Rowling

Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều biết đến nhà văn “phù thủy” J.K. Rowling.Trước khi trở thành nhà văn được nhiều người yêu thích, Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội. Với 7 tập Harry Potter, Rowling nổi tiếng khắp thế giới và là người đầu tiên trở thành tỷ phú nhờ viết sách. Thế nhưng nếu chỉ nói như vậy thì chúng ta đâu thể biết được con người ấy đã dũng cảm can đảm thế nào trước cuộc đời thì mới có thể đến được với thành công.

J.K. Rowling từng chia sẻ với sinh viên đại học Harvard rằng :” tôi từng gặp những người hoảng loạn, tự trói mình trong chiếc áo vô hình bởi họ sợ thất bại và chẳng dám làm gì cả. Cảm giác rơi xuống đáy xã hội chẳng vui vẻ gì nhưng tôi vẫn phải cố gắng và thử sức bởi xét cho cùng, tôi có còn gì để mất đâu cơ chứ.” Qua lời chia sẻ đó chúng ta cũng thấu hiểu phần nào nỗi khó khăn mà nhà văn phải trải qua đồng thời cũng thấy bà phải dũng cảm như thế nào để đối mặt với những thách thức của cuộc đời. Đó chắc hẳn là con người không bao giờ sợ thất bại mà luôn biết vươn lên, dũng cảm đối mặt với khó khăn và thành công nhờ tài năng và nghị lực phi thường của mình. Thử hỏi nếu chỉ an phận không dám vươn lên, sợ hãi thất bại thì liệu có J.K.Rowling như bây giờ không? Đây quả là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và noi theo!

Khánh Vy- Người trẻ truyền cảm hứng, năng lượng tích cực

Trần Khánh Vy, sinh vào ngày 21 tháng 5 năm 1999. Khánh Vy đã học tiếng Anh từ năm lớp 3. Vào năm 2014, Vy đỗ vào trường cấp 3 chuyên Anh Phan Bội Châu. Cô đạt 28,03 điểm trong kì thi tuyển sinh Quốc gia và học ngành Quan hệ Quốc tế của Học viện Ngoại giao. Không chỉ đạt thành tích khủng trong học tập, cô gái 9x này còn tham gia các hoạt động khác như CTV cho Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An khi chỉ mới 12 tuổi. Năm 2016, cô bất ngờ trở thành hiện tượng MXH nhờ clip nhại 7 thứ tiếng. Chính sự nổi tiếng bất ngờ này đã tạo bàn đạp giúp cho Khánh Vy có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Năm 2017, cô là đại diện của Việt Nam sang đất nước mặt trời mọc phỏng vấn dàn sao Hollywood của phim Vệ binh dải ngân hà. Tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế Hội An 2017, Khánh Vy là người tháp tùng các đầu bếp nước ngoài. Đặc biệt trong đó có chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Thế giới. Khánh Vy ra mắt group kín có tên “Cùng Khánh Vy học tiếng Anh”. Với mục đích giúp đỡ và đồng hành các bạn cùng học tiếng Anh. Năm 2020, Khánh Vy nhận được đề cử ở hạng mục “Người dẫn chương trình ấn tượng” của VTV Awards 2020.

Ngoài ra, Khánh Vy nhận học bổng 200 triệu đồng du học 2 tuần tại New York, Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, cô được chọn là một trong bốn đại diện của Châu A tham gia Ambassador Tour tại Washington.

Tháng 8 năm 2021, Khánh Vy tốt nghiệp học viện Ngoại giao với tấm bằng loại giỏi. Từ cuối tháng 9 năm 2021, Khánh Vy đã trở thành người dẫn chương trình mới của chương trình Đường lên đỉnh Olymia thay cho DIệp Chi.

Khánh Vy là một cô gái tự tin, văn minh, hiểu biết, tiêu biểu cho thế hệ Z. Nguồn năng lượng dồi dào từ Khánh Vy thực sự mang đến cho những người từng tiếp xúc với cô bạn rất nhiều cảm hứng tích cực. Dù có nổi tiếng, làm nhiều, đi nhiều, thử sức ở nhiều lĩnh vực thì thật may Khánh Vy vẫn giữ được cho mình sự trẻ trung, tươi mới và năng động gần như đã trở thành thương hiệu. Dù được không ít người ngưỡng mộ, nhưng Khánh Vy vẫn luôn tìm đọc về những gương mặt bạn trẻ khác để được tạo cảm hứng mỗi ngày.

Màu áo xanh tình nguyện

Từ lâu, chiếc áo xanh tình nguyện đã trở thành hình ảnh thân quen trong cuộc sống. Chiếc áo xanh màu hy vọng, ngực trái có in hình lá cờ Tổ quốc thiêng liêng không chỉ tôn vinh sức trẻ, mà còn thể hiện tinh thần, ý chí nối tiếp truyền thống cha ông của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước

Màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên dường như trở nên quen thuộc và nhiều hơn trong mùa thi tuyển sinh Đại học, Cao đảng. Nhắc đến áo xanh là nhắc đến sự quan tâm, sẻ chia và nhiệt huyết đến quên mình về cộng đồng. Không ngại khó khăn, vất vả, dưới cái năng gay gắt lên tới hơn 30 độ của mùa hè, các chiến sĩ tiếp sức mùa thi đã có mặt tại tất cả các điểm thi được phân công để giúp đỡ phụ huynh và học sinh.

Các chiến sĩ này hầu hết là những bạn trẻ đại diện cho sự năng động, nhiệt huyết, họ được chuẩn bị chu đáo từ kĩ năng lẫn thông tin như nhà trọ miễn phí, đường đi, tuyến xe bus…

Sẽ chẳng khó khi nhìn thấy những hình ảnh màu áo xanh tình nguyện đứng chỉ đường cho học sinh. Họ làm bằng cái tâm và sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Có bạn còn sẵn sàng cho thí sinh và người nhà ở cùng với mình hoặc đưa đón thí sinh đi thi cho kịp giờ trong những ngày thi…

Có lẽ màu áo tình nguyện là màu của sức sống sục sôi. Nếu nhìn lại thời quá khứ đã xa, có màu xanh áo lính băng qua ngàn mưa bom bão đạn, qua giáo gươm quân thù, thì giờ đây khi hòa bình về, đất nước phát triển và hội nhập, cũng là chiếc áo xanh nhưng là màu xanh tình nguyện đại diện cho sức trẻ thời hiện đại, vượt qua mọi ngả đường, mọi gian nan, mang tình thương yêu.

Thiên thần giữa đại dịch Covid 19

Bà Gilbert sinh năm 1962 ở thị trấn Kettering, hạt Northamptonshire, miền Trung nước Anh. Niềm đam mê khoa học của Gilbert bắt đầu khi đang học tại Trường trung học Kettering. Tốt nghiệp trung học, Gilbert theo học ngành sinh học tại Đại học East Anglia, rồi học lên tiến sĩ ngành di truyền học tại Đại học Hull. Sau đó, Gilbert đến làm việc tại Đại học Oxford vào năm 1994. Sự nghiệp của bà gặp thử thách khi bà sinh 3 con vào năm 1998. Sau thời gian nghỉ thai sản, Gilbert cảm thấy khó khăn khi trở lại với công việc nghiên cứu. “Đã có lúc tôi định từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và làm gì đó khác”, bà chia sẻ. Nhưng cuối cùng, bà Gilbert vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu. Quay lại Đại học Oxford, Gilbert thăng tiến nhanh chóng. Năm 2004, bà trở thành giảng viên và gia nhập Viện Jenner của Đại học Oxford, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, vào năm 2010. Tại đây, bà có nhiều cơ hội nghiên cứu vaccine. Gilbert đã dẫn đầu cuộc thử nghiệm vaccine ngừa virus Ebola vào năm 2014. Bà Gilbert còn đến Saudi Arabia để phát triển một loại vaccine ngừa MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu năm 2020, bà Gilbert cho rằng có thể tạo ra một loại vaccine ngừa Covid-19 tương tự cách làm vaccine ngừa MERS-CoV. Trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh vì Covid-19, bà Gilbert cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu ở Đại học Oxford đã phải chạy đua với thời gian để nhanh chóng tạo ra một loại “vũ khí” hiệu quả chống lại virus.

Đầu tháng 4-2020, lô vaccine đầu tiên được sản xuất. Để có thể tiến hành thử nghiệm, Gilbert đã tích cực kêu gọi Chính phủ Anh hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đạt được thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm nổi tiếng AstraZeneca để phát triển, sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu. Cuối cùng, mọi vất vả đã được đền đáp. Sau các giai đoạn thử nghiệm, vaccine cho thấy hiệu quả tốt. Theo đánh giá của WHO, vaccine AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí “bắt buộc phải có” về độ an toàn và có hiệu quả vượt trội so với rủi ro. Sau đó, loại vaccine này được chuyển đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việc phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 mang lại cơ hội kiếm một khoản tiền khổng lồ cho nhóm nghiên cứu của bà Gilbert. Tuy nhiên, bà và các cộng sự không để tâm tới điều này. Bởi lẽ, mục tiêu của họ là tạo ra một loại vaccine cho nhân loại. Nhà khoa học này cũng chọn từ bỏ bằng sáng chế vaccine. “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế, vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine”…Bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của nhóm nghiên cứu, họ đã gạt bỏ lợi nhuận kinh tế sang một bên để ưu tiên đưa thành tựu khoa học đến với số đông nhân loại.

Hành động dũng cảm cứu người của đại úy Thái Ngô Hiếu

Ngày 10/4 trung úy Thái Ngô Hiếu sinh năm 1989, quê Nghệ An, công tác tại Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai đã cứu sống 4 người gặp nạn tại bãi tắm xã Phước Tỉnh, Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sự việc xảy ra quá nhanh khiến những người dân hoảng loạn không thể ứng cứu kịp thời, song với tinh thần dũng cảm, trung úy Hiếu đã bơi ra khu vực bị nạn và trực tiếp cứu 4 người vào bờ và sơ cứu tại chỗ, cứu sống các nạn nhân.

Ngoài ra trong quá trình công tác, đồng chí đã tham gia 39 lượt cứu nạn, cứu hộ, và cứu sống 11 người, tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, tham gia di chuyển hơn 50 hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Ngay sau đó, sáng 11/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi thăng cấp từ trung úy lên đại úy cho đồng chí Thái Ngô Hiếu vì đã có hành động dũng cảm, cứu được nhiều người bị đuối nước.

Thùy Tiên – Đại diện cho sức mạnh tri thức và tâm hồn

Câu chuyện người đẹp Thùy Tiên bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi Miss Grand International 2021 tại Thái Lan vẫn còn khiến dân mạng lâng lâng tự hào lẫn không khỏi ngưỡng mộ.

Sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh, cô không may mắn như nhiều em bé khác khi 4 tuổi đã chứng kiến bố mẹ ly hôn và phải chung sống với dì ruột đến năm 18 tuổi. Cô từng theo học tạo khoa Pháp Văn – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2010, Thùy Tiên theo học khoa Du lịch – Cử nhân Quản lí khách sạn – Nhà hàng quốc tế. tại trường đại học Hoa Sen.

Sau nhiều năm cố gắng không ngừng nghỉ trau dồi tri thức và trinh phục đỉnh cao sắc đẹp, đến hiện tại có rất nhiều lời ca ngợi dành cho cô nàng sinh năm 1998 về tài năng, nhan sắc, bản lĩnh… Quả thực, đằng sau những ánh hào quang có được đó là cả một quá trình dài nỗ lực mà ít người biết. Trong số rất nhiều câu đáp ứng xử, hùng biện của Thùy Tiên trong đêm chung kết, có một câu trả lời đồng thời cũng là thông điệp truyền cảm hứng rất thiết thực rất đến những người trẻ. Cụ thể, trước giờ phút xướng tên người thắng cuộc, trong phần trả lời câu hỏi về trải nghiệm của bản thân khi đến với Miss Grand International 2021, Hoa hậu Thùy Tiên đã có chia sẻ: “Thành thật thì lúc đầu khi đến đây tôi không nhận được quá nhiều sự ủng hộ, và giờ đây tôi đứng ở top 2 Miss Grand International 2021, điều đó đã chứng minh cho sự chăm chỉ của tôi. Nếu bạn chăm chỉ và tập trung vào mục tiêu, ước mơ của bạn sẽ thành hiện thực. Hãy bắt đầu chinh phục mục tiêu từ bây giờ, chăm chỉ và hành động vì ước mơ”.

Ở Thùy Tiên, xứng đáng là một dẫn chứng cho các bạn trẻ học tập và khẳng định rằng để đi đến được thành công, đó là cả một quá trình dài kết hợp của nhiều yếu tố, và tất nhiên chăm chỉ luôn là một yếu tố hàng đầu. Thành công không phải tự nhiên mà có, thành công chỉ đến với những người biết phấn đấu, dám suy nghĩ, dám làm và luôn có niềm tin để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Lê Thanh Thúy – Tấm gương về nghị lực sống

Lê Thanh Thúy mắc chứng bệnh ung thư xương năm em mới 16 tuổi. Thúy là một tấm gương về nghị lực sống phi thường sau khi trải qua hai lần phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ chân phải và được Thành đoàn TNCS TPHCM tuyên dương là 1 trong 5 Công dân trẻ TPHCM từ năm 2006. Là cô gái khiến cho tất cả mọi người nhớ đến bởi sự lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ và sống có ích.

Thúy luôn lạc quan về cuộc sống với phương châm “Trước mặt mình đang là một bức tường và mình phải phá vỡ nó để vượt qua”. Trong suốt giai đoạn điều trị tại bệnh viện, Thúy đã thức hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog “Ứớc mơ của Thúy”, tổ chức các chương trình từ thiện tổ chức các sự kiện trung thu, dã ngoại, phát quà, sinh nhật cho các bệnh nhi ung thư trên thành phố, với hai điểm chính là: Bệnh viện ung Bướu Thành Phố, và Bệnh Viện chấn thương chỉnh hình khoa ung thư…Dù nằm liệt giường, Thúy tiếp tục hoạt động từ thiện và tham gia đêm hội trung thu cho bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh.Điều chị mong ước là đem đến nụ cười, hạnh phúc, niềm tin cho các em trong những ngày chịu đựng căn bệnh quái ác.

Hiện giờ, Lê Thanh Thuý đã vĩnh viễn ra đi, ngẫm lại trong những dòng entry cuối cùng, Thuý dặn dò: “Em sắp gục ngã rồi. Mọi người hãy giúp em duy trì chương trình uớc mơ của Thuý. Các em bệnh nhi tội nghiệp lắm. Em yêu tất cả mọi người…” Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của Thúy vẫn còn mãi với cuộc đời, “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Phạm Nhật Vượng

Trước khi trở thành tỷ phú thế giới – người giàu nhất Việt Nam, Ông Phạm Nhật Vượng đã có cuộc sống tuổi thơ khó khăn, vất vả nhưng không vì thế khiến ông nhụt trí. Ông đã quyết chí học hành và sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhờ những thành tích học tập xuất sắc đó, ông được chọn sang du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất và theo học ngành kinh tế địa chất.

Ông Phạm Nhật Vượng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine. Là người đi lên từ bàn tay trắng, ông đã làm được những điều không ai tin là có thể. Từ một công ti thực phẩm phải vay vốn để gây dựng đến một tập đoàn đa ngành lớn mạnh có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc như VinGroup. Tập đoàn Vingroup luôn được đánh giá là thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị VinGroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế nước nhà.Bên cạnh việc kinh doanh giỏi, giúp phát triển kinh tế người nhà thì ông còn có tâm sáng vì cộng đồng. Ông đã sáng lập Quỹ Thiện Tâm – ở đây ông và gia đình, cũng như các cán bộ, nhân viên Vingroup dành ngân khoản không nhỏ để thành lập và đóng góp. Nhiều năm liền Quỹ Thiện Tâm tới các vùng đất nghèo khó trên cả nước để trao cho những học sinh nghèo học giỏi những món quà nặng ân tình, những phòng học máy tính giúp thắp sáng ước mơ của những trẻ em nghèo.Hàng vạn con bê giống cũng đã được trao cho nông dân ở Ninh Bình và Hà Tĩnh. Cả vạn ngôi nhà tình nghĩa cũng đã được xây dựng cho những gia đình có công. Hàng chục ngàn suất học bổng đã được trao tận tay tới các cháu học trò nghèo yêu thương. Tháp chuông Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi tri ân những Anh hùng Liệt sỹ ở vùng đất đạn bom năm nào, do Báo Đầu tư và Báo Lao Động vận động xây dựng, cũng có công đóng góp lớn từ Quỹ Thiện Tâm. Rồi còn hàng loạt hoạt động từ thiện khác… Những món quà nặng ân tình. Và đó có lẽ chính là điều đáng quý nhất ở vị tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam – Phạm Nhật Vượng.

Tất cả những thành tựu hôm nay đều được ông gây dựng nên nhờ những kinh nghiệm, niềm đam mê và quyết tâm làm việc đến cùng của vị doanh nhân tài năng này. Bên cạnh đó, vị tỉ phú này còn khiến mọi người mến phục bởi quan điểm kinh doanh hướng đến phát triển đất nước của mình. “Thế giới không chỉ biết đến một Việt Nam anh hùng, mà phải biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp”. Đó là mong muốn của ông. Chính vì vậy ông liên tục ươm mầm cho tương lai, thể hiện qua những dự án không ai ngờ với tầm vóc vượt trội. Câu nói truyền cảm hứng: “Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được.”

Karik – Vượt mọi khó khăn để sống với đam mê

Phạm Hoàng Khoa hay còn được biết đến với nghệ danh Karik, anh là một rapper kiêm nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Karik là một trong những người tiên phong vượt lên giới Underground và lấn sân sang showbiz.

Con đường âm nhạc của Karik không mấy dễ dàng khi anh từng vướng phải vô số lời chỉ trích xuyên suốt sự nghiệp. Vượt qua những sóng gió, anh dần cảm hoá được mọi người nhờ tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.

Khi mới vào nghề, anh gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự mình mày mò, học hỏi cách viết lời và làm nhạc. Đồng thời, phía gia đình cũng không ủng hộ nam ca sĩ theo con đường này bởi Rap lúc bấy giờ vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Trong quá trình nỗ lực theo đuổi ngành Rap, Karik vô tình gặp và làm quen với Wowy, chàng rapper có cùng niềm đam mê và cá tính âm nhạc với mình. Kể từ đó, hai người trở thành một bộ đôi đình đám sở hữu trong tay vô số những tác phẩm gây tiếng vang lớn trong giới.

Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, đam mê của anh ngày một lớn hơn, và chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ. Hiện tại, anh đã đạt nhiều thành tựu trên con đường âm nhạc của mình và góp phần lớn vào sự phát triển của cộng đồng yêu Rap tại Việt Nam. Anh tham gia là huấn luyện viên của chương trình Rap Việt uy tín và tham gia nhiều dự án nghệ thuật nổi bật được fan ủng hộ hết mình.

Malala Yousafzai

Malala bị Taliban bắn vào đầu năm 2012 vì dám yêu cầu quyền tiếp cận giáo dục dành cho tất cả mọi người. Kể từ đó, cô gái người Pakistan đã khiến thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tục đấu tranh cho giáo dục trẻ em và quyền lợi của các cô gái khắp thế giới, bằng lòng dũng cảm và niềm đam mê vô tận.

Đầu năm 2008, Malala đã bắt đầu đấu tranh cho quyền giáo dục. Theo Toronto Star, cha cô dẫn cô đến Peshawar nói chuyện với một câu lạc bộ báo chí địa phương. Cô phát biểu trước đám đông: “Tại sao Taliban dám tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục của tôi?”, đồng thời tiết lộ cô đã giấu mấy quyển sách giáo khoa trong quần áo khi đến trường.

Cô gái Malala vô cùng dũng cảm khi phát biểu với đám đông rằng cô sẽ đại diện cho 57 triệu trẻ em không được đến trường trên khắp thế giới. “Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới – Malala phát biểu thêm – Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu”.

Malala có nhiều người ủng hộ khắp thế giới nhưng cũng có người căm ghét và cáo buộc cô là “cái loa tuyên truyền của phương Tây”. Cô nói với BBC năm ngoái liên quan đến những cáo buộc này: “Cha của tôi nói rằng giáo dục không phải là phương Đông hay phương Tây. Giáo dục là giáo dục. Đó là quyền lợi của tất cả mọi người”.

Năm 2014, Malala Yousafzai trở thành người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. Ngoài Quỹ Malala, nhà hoạt động này còn là một nhà viết sách và là Sứ giả Hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, Malala đã thể hiện sức mạnh và sự can đảm đặc biệt khi đối mặt với khủng bố. Nỗ lực trong cuộc sống của Malala đã củng cố niềm tin của cô về một thế giới tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn. Tiếng nói của cô đã mang lại nền giáo dục cho hàng ngàn trẻ em và đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác. Malala Yousafzai là bằng chứng cho thấy tuổi tác không có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh cho những gì đúng đắn, rằng bất cứ ai cũng có thể và nên lên tiếng để cải thiện thế giới xung quanh.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button