Bảng chữ cái chính là nền tảng giúp trẻ học, đọc được chữ tiếng Việt. Chính vì ý thức được tầm quan trọng của bảng chữ cái nên rất nhiều cha mẹ muốn con cái làm quen và học thuộc sớm. Tuy nhiên, trẻ em thường thích chơi hơn là học nên việc dạy bảng chữ cái cho bé đòi hỏi cha mẹ phải có phương pháp phù hợp mới đạt được hiệu quả như ý.
Chọn cho bé bảng chữ cái có hình minh họa sinh động
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm khi dạy bảng chữ cái cho con đó là khâu chuẩn bị. Tức là, bạn hãy tìm mua cho bé yêu một bộ bảng chữ cái có hình minh họa sinh động, màu sắc bắt mắt. Bạn có thể chọn mua bộ chữ cái rời hoặc liền, có thể chọn bảng có âm đọc mẫu đi kèm mỗi khi bé chạm ngón tay vào. Trẻ con thường rất tò mò và hứng thú khi được cha mẹ mua tặng những thứ nhiều màu sắc vừa học lại vừa chơi được. Khi đã chuẩn bị bảng chữ xong, bạn và bé có thể cùng nhau bắt đầu những giờ phút học tập vui vẻ và thú vị rồi.
Thường xuyên đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe
Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên hình thành cho bé tình yêu với sách. Bạn có thể đọc sách hoặc kể chuyện cho con nghe mỗi tối trước khi đi ngủ. Việc làm này không chỉ có tác dụng tạo sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái mà còn cung cấp cho bé các thông tin hữu ích và bồi đắp thêm tình yêu với các con chữ. Bạn có thể khuyến khích bé bằng cách giải thích cho con hiểu khi con chịu khó học chữ, biết đọc chữ con sẽ tự mình đọc và hiểu được các câu chuyện con yêu thích mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Chắc chắn rằng lời động viên của bạn sẽ kích thích và là động lực cho bé ham học hơn.
Dạy trẻ cách ghi nhớ nhanh bằng việc thường xuyên thực hành
Một mẹo nhỏ dành cho cha mẹ khi dạy chữ cái cho con đó là: Bạn nên dùng ngón tay hoặc thước kẻ chỉ vào lần lượt từng chữ trong bảng chữ cái, đọc chuẩn và yêu cầu bé đọc lại. Làm như vậy sẽ giúp bé ghi nhớ mặt chữ nhanh hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên kết hợp “học đi đôi với hành”, tức là sau khi hướng dẫn bé đọc, bạn nên cho con lặp đi lặp lại một vài lần và kiểm tra xem bé có nhớ các chữ vừa học không. Khi cha mẹ thường xuyên kiểm tra bé, kĩ năng ghi nhớ sẽ được rèn luyện và bé sẽ nhanh thuộc bảng chữ cái hơn.
Chú ý cách phát âm của trẻ
Thông thường, khi bắt đầu học chữ, trẻ không thể phát âm chuẩn như cha mẹ. Nhưng không vì vậy mà bạn xao lãng việc rèn cách phát âm cho con. Cha mẹ hãy kiên trì và chú ý lắng nghe cách con phát âm và sửa cho bé kịp thời. Bạn nên giải thích cho con hiểu, khi con phát âm đúng chuẩn không chỉ có ích cho việc ghi chép chính tả sau này mà còn giúp người nghe tiếp nhận đúng câu chuyện mà con đang kể. Trong quá trình giao tiếp hàng ngày, bạn cũng nên để ý và sửa chữa và hoàn thiện kĩ năng phát âm cho con của mình.
Hướng dẫn bé tập đọc ở mọi nơi
Việc học chữ cái có thể diễn ra ở mọi nơi chứ không nhất thiết chỉ trên bàn học. Khi cha mẹ dẫn con đi chơi công viên, siêu thị, thăm họ hàng…bạn vẫn có thể dạy bé học. Ví dụ, khi bạn nhìn thấy một bảng quảng cáo, bạn có thể hỏi con: Trên bảng kia có những chữ cái gì nhỉ? Đố con biết chữ A,B,C…có trong tờ menu này không? Việc học ở mọi lúc, mọi nơi nếu được cha mẹ vận dụng khéo léo sẽ tạo được hứng thú cho trẻ và tất nhiên bé sẽ có cơ hội được thực hành và nhanh thuộc bảng chữ cái hơn.
Dạy con cách đọc- viết chữ thường trước, chữ hoa sau
Nếu bạn quan sát các tài liệu dạy bé học chữ, các chuyên gia luôn đưa ra lời khuyên với các mẹ là nên cho bé tiếp xúc với các chữ thường trước rồi mới đến chữ in hoa. Tại sao lại như vậy? Bởi khi con làm quen được với bảng chữ cái ở dạng thường, con sẽ nhanh nhận biết mặt chữ hơn và nhanh thuộc hơn, trong các sách báo, truyện… tỉ lệ chữ in hoa chỉ chiếm khoảng 5%. Việc học thuộc các chữ thường giúp trẻ rèn luyện kĩ năng đọc. Vậy nên, trong các bảng chữ cái bạn mua sẵn, chữ hoa và chữ thường luôn đứng cạnh nhau nhưng cha mẹ nên dạy con đọc- viết chữ thường trước nhé!
Cùng bé chơi các trò chơi liên quan đến chữ cái
Vừa học vừa chơi là phương pháp dạy trẻ vô cùng sáng tạo và hiệu quả. Nếu bạn muốn con nhanh thuộc bảng chữ cái, bạn có thể áp dụng trò chơi cùng các chữ cái với bé. Đầu tiên bạn hãy sắm cho con bảng chữ cái rời và một chiếc hộp nhỏ. Bạn cho các chữ cái vào rổ và nói với bé chúng ta sẽ chơi trò bán hàng. Bạn là người mua hàng và tất nhiên bé chính là người bán. Bạn lần lượt nói các câu như: Con có thể bán cho mẹ chữ A,B,C… được không và yêu cầu bé lấy. Với các bé lớn hơn một chút, bạn vẫn có thể áp dụng trò chơi này nhưng ở mức độ khó hơn. Bạn có thể hỏi bé: Con bán cho mẹ quả cam được không? Bé sẽ phải ghi nhớ và tìm đủ ba chữ cái C-A-M để bán cho mẹ. Nếu thấy con còn lúng túng hoặc vẫn lấy sai chữ cái, cha mẹ nên bình tĩnh nhắc nhở và rèn thêm cho bé.
Dạy bé chữ cái gắn với việc ghi nhớ các hình ảnh
Những hình ảnh sắc màu sinh động thường kích thích thị giác cũng như khả năng ghi nhớ của bé. Khi dạy bảng chữ cái cho con, cha mẹ nên lưu ý đặc điểm này. Bạn có thể dạy cho bé từng chữ kết hợp với việc chỉ các hình minh họa. Ví dụ: Bạn dạy bé chữ Ô, bạn có thể chỉ vào chiếc ô minh họa trong bảng chữ; hoặc chữ E, có thể chỉ vào chiếc xe…Từ cách học như thế này, bé sẽ ghi nhớ và có thể tái hiện lại các chữ cái mỗi khi mẹ chỉ vào các đồ vật bé gặp trong nhà hay trên đường đi. Ví dụ: Bạn đưa bé ra đường, khi nhìn thấy chiếc xe chạy qua, bạn hỏi bé: Đây là cái gì nhỉ? Hôm trước mẹ dạy con chữ cái gì có hình đó nhỉ?.