Danh Sách Dịch Vụ

Top 15 Sự kiện Văn hóa – Nghệ thuật gây chú ý nhất 2021

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Bộ Quy tắc ứng xử để “chấn chỉnh” nghệ sĩ chính thức được ban hành… là các sự kiện văn hóa – nghệ thuật gây chú ý trong năm 2021. Cùng Danhsachtop điểm lại những sự kiện này nhé.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 thành công tốt đẹp

Liên hoan phim lần thứ 22 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế với tinh thần linh hoạt, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, vừa đáp ứng được tiêu chí trang trọng của một kỳ liên hoan phim nhằm vinh danh các tác phẩm, các nghệ sĩ điện ảnh xuất sắc.

Đây còn là sự kiện quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam, đặc biệt là xứ Huế thơ mộng, tạo nên sự kết hợp giữa nhà sản xuất phim với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với du lịch, quảng bá di sản văn hóa. Ban tổ chức đã trao 18 giải thưởng tặng các tác phẩm xuất sắc, 26 giải cá nhân xuất sắc, trong đó giải Bông sen vàng dành cho phim hay nhất “Mắt biếc”.

Giới thiệu Việt Nam tại World Expo 2020 Dubai

Nhà triển lãm Việt Nam và các hoạt động trong Ngày Quốc gia Việt Nam, Ngày ASEAN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tại Triển lãm World Expo (Triển lãm thế giới) 2020 Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để lại nhiều ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.

Trong lần thứ 7 tham dự Triển lãm thế giới, với chủ đề “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”, Nhà triển lãm Việt Nam thông qua ngôn ngữ triển lãm kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đã giới thiệu các giá trị tinh hoa truyền thống và thành tựu đổi mới sáng tạo của quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch Việt Nam, mở ra cơ hội gia tăng hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông và thế giới.

Sự kiện văn hóa – nghệ thuật: Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11 tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nhận định, quy mô của Hội nghị được tổ chức khá lớn. Ngoài việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ tiêu biểu… Hội nghị còn kết nối trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các tỉnh, thành, nhiều bộ, ngành trên cả nước.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Từ đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự thảo Luật Điện ảnh

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

UNESCO vinh danh hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương

Trong phiên họp sáng 23-11, tại Paris (Pháp), hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh.

Việc vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời của UNESCO. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là Tập thơ “Lục Vân Tiên”, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế

Nguyễn Thúc Thùy Tiên của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua 59 thí sinh khác để giành vương miện Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 trong chung kết tối 4/12 tại Thái Lan.

Sau nhiều phần thi gay cấn trong đêm chung kết dài hơn ba tiếng, Thùy Tiên vỡ òa hạnh phúc khi được xướng tên hoa hậu. Người đẹp Việt Nam giành chiến thắng thuyết phục trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Thái Lan và quốc tế tại đêm thi. Cô nhận vương miện từ người tiền nhiệm – Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2020 Apena Appiah.

Chung kết Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Trung tâm giải trí Show DC Hall ở Bangkok, Thái Lan vào tối 4/12 sau ba tuần diễn ra các hoạt động bên lề. Đêm thi được đánh giá chuyên nghiệp, sân khấu lộng lẫy với những màn trình diễn sôi động, cuốn hút của 60 thí sinh. Qua mỗi phần thi, ban giám khảo lần lượt chọn ra Top 20, Top 10 và Top 5 trước khi công bố hoa hậu cùng bốn á hậu.

Lễ hội Du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021

Với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, sự kiện Lễ hội Du lịch & Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021 sẽ giúp người dân tiếp cận các chương trình khuyến mại, qua đó hỗ trợ DN du lịch hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Diễn ra từ ngày 16 – 18/4/2021, tại không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội du lịch & Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2021 với quy mô 200 gian hàng thu hút hàng trăm DN du lịch, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Đồng thời còn có sự góp mặt của 12 tỉnh, thành như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ tham gia.

Điểm đặc biệt của Lễ hội Hà Nội là không quá chú trọng trưng bày sản phẩm mà tập trung mua, bán các sản phẩm du lịch đã được nâng cấp làm mới với nhiều chương trình khuyến mại. Nhằm tạo điều kiện cho người dân tới các điểm du lịch trên toàn quốc, trong những ngày diễn ra lễ hội, DN hàng không sẽ đưa ra thị trường một lượng lớn vé máy bay giá rẻ. Cụ thể Vietnam Airlines đã chuẩn bị 200.000 vé máy bay đi tất cả các điểm du lịch trên cả nước với mức giá chỉ 99.000 đồng, Bamboo Airways sẽ cung cấp 100.000 vé giá từ 36.000 – 49.000 đồng trở lên (chưa bao gồm thuế, phí). Đặc biệt, những khách hàng tham gia trải nghiệm vé hạng thương gia, kết hợp nghỉ dưỡng… sẽ được hãng phát mã code giảm giá từ 20 – 50%.

Không chịu thua kém, các DN lữ hành cũng mang tới hơn 1.000 nhóm sản phẩm du lịch mới với nhiều hình thức khuyến mại giảm giá từ 15 – 35% giá tour, nhiều voucher và quà tặng kèm theo hấp dẫn. Công ty Du lịch Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài đã xây dựng 2 chùm tour khám phá du lịch Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc với mức giảm giá lên đến 25% nhưng chất lượng dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn 3 sao. Trong khi đó, Công ty Du lịch Lữ hành Hanoitourist nhân sự kiện Lễ hội du lịch & Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2021 Hanoitourist giảm 40% cho hàng nghìn suất tour khởi hành từ nay đến cuối năm…

Quỳnh Anh – Đại diện Việt Nam chiến thắng cuộc thi SupermodelMe – Siêu mẫu Châu Á

Sau hành trình chinh chiến tại SupermodelMe – Siêu Mẫu Châu Á, Quỳnh Anh – đại diện Việt Nam đã khiến người hâm mộ Việt vô cùng tự hào khi trở thành Quán quân SupermodelMe mùa 6!

Chung kết SupermodelMe – Siêu Mẫu Châu Á mùa 6 nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khi Quỳnh Anh – đại diện Việt Nam nằm trong top 3 chung cuộc của chương trình. Sau hành trình dài chinh chiến tại SupermodelMe, đại diện Việt Nam đã vượt mặt đại diện của 7 quốc gia châu Á bao gồm Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia và trở thành Quán quân chương trình. Đây là lần đầu tiên có một đại diện Việt Nam làm nên lịch sử khi tham gia cuộc thi Siêu Mẫu Châu Á!

Quỳnh Anh được các đối thủ khen ngợi là thí sinh giữ được biểu cảm, điềm tĩnh, hiểu được mọi góc mặt của mình. Các giám khảo cũng nhận định Quỳnh Anh đã tạo nên sự khác biệt, là người mẫu có cá tính, toát lên sự mạnh mẽ khi tham gia cuộc thi.

Chiến thắng SupermodelMe là thành quả xứng đáng với những nỗ lực mà cô nàng 22 tuổi đã bỏ ra trong suốt khoảng thời gian học tập và rèn luyện nơi xứ người!

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam – năm 2021” với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021).

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam – năm 2021” bao gồm nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn và ý nghĩa, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt; quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Các chuỗi hoạt động sẽ có sự tham gia của khoảng 270 người thuộc 17 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền như: Tày, Nùng, Mông, Khơ Mú, Thái, Bahnar, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer…

Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021. Bên cạnh đó là các chương trình giới thiệu, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam; Hát Xoan Phú Thọ; dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca trù; dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc cung đình Huế; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca Tài tử Nam Bộ…

Nghệ thuật Xòe Thái chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 17 giờ 11 phút ngày 15/12 tại Pháp.

Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 – 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và long bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International

Vũ Huyền Diệu – 14 tuổi, học trò người mẫu Minh Tú – đăng quang Miss Eco Teen International, tối 20/12 (giờ địa phương).

Đêm chung kết có sự góp mặt của 30 thí sinh các quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau phần thi trang phục dân tộc và dạ hội, thí sinh Việt Nam được gọi tên trong top 5, bên cạnh Philippines, Mỹ, Bỉ và Ai Cập.

Tháng 11/2021, Huyền Diệu tham gia Miss Eco Teen trong nước, ban giám khảo gồm nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, nhà thiết kế Việt Hùng, người mẫu Minh Tú… Theo ban tổ chức, cuộc thi nằm trong khuôn khổ Hoa hậu Môi trường Việt Nam – hoạt động hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 với thông điệp “Vì môi trường Việt Nam xanh”. Sau khi đoạt giải cao nhất, em được người mẫu Minh Tú huấn luyện catwalk để thi quốc tế.

Vũ Huyền Diệu sinh năm 2008, có mẹ là người Việt, bố người Singapore. Cô cao 1,68 m, hiện là nữ sinh một trường quốc tế tại TP HCM. Từ nhỏ, Huyền Diệu được gia đình định hướng theo đuổi nghệ thuật, học ca hát và piano. Cô từng đoạt huy chương bạc piano solo tại một liên hoan âm nhạc châu Á ở Singapore năm 2015, huy chương bạc Piano Duel (đánh đàn bốn tay, kết hợp cùng với anh trai Quang Dũng) ở cùng cuộc thi năm 2016… Năm 2019, Huyền Diệu thi Little Miss Universe tại Georgia, đoạt giải Hoa hậu nhí thanh lịch.

Tích cực phát triển văn hóa đọc

Năm 2021, ngành xuất bản đã có nỗ lực cao để số về đầu sách và doanh thu giảm không đáng kể, xấp xỉ đạt hơn 92% so với trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19.

Để văn hóa đọc không bị suy thoái, đứt gãy, Bộ VHTT&DL cùng nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị nỗ lực tổ chức nhiều cuộc thi, giải thưởng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, như: Giải thưởng Sách quốc gia; các cuộc thi: Đại sứ văn hóa đọc, Giới thiệu sách trực tuyến, Viết lời giới thiệu sách, Khoảnh khắc cùng sách… Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quân, thu nhận được 89.149 bài dự thi.

Nghệ sĩ vướng ồn ào từ thiện

Sao kê trở thành từ khóa “hot” thu hút sự quan tâm của cộng đồng khi nhắc đến showbiz Việt năm 2021. Nhiều nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… bị “réo tên” gắn liền với từ khóa sao kê bởi cộng đồng muốn thấy sự minh bạch trong hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ. Theo đó, danh hài Trấn Thành gây “sốt” khi tung ảnh sao kê dài 1.000 trang giữa ồn ào bị cho là “sao kê chiếu mệnh”. Trấn Thành khẳng định, tin đồn tài khoản của anh có hơn 120 tỷ đồng tiền kêu gọi từ thiện là không chính xác: “Những ai đã khẳng định trong tài khoản tôi có hơn 120 tỷ đồng trong những ngày qua là những người vu khống. Các bạn đang nợ gia đình chúng tôi một lời xin lỗi”.

Ngoài danh hài Trấn Thành, MC Đại Nghĩa, mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà, cựu siêu mẫu Trang Trần, vợ chồng Thúy Diễm – Lương Thế Thành, Nhật Kim Anh… cũng lên tiếng xoay quanh ồn ào sao kê tiền từ thiện. Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bức xúc đáp trả khi bị tố ăn chặn 96 tỷ đồng từ thiện.

Trước sức ép của “cơn bão” sao kê, vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh đã tới ngân hàng và nhận hơn 1.800 trang sao kê số tiền 177 tỷ đồng trong đợt kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung cuối năm 2020. Đây là hành động của cặp đôi sau một thời gian dài vướng lùm xùm về việc minh bạch khoản tiền từ thiện.

Ngoài vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh, danh hài Hoài Linh cũng lên tiếng về với số tiền hơn 14 tỷ đồng ủng hộ miền Trung sau 6 tháng chưa được trao đến đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020.

Bộ Quy tắc ứng xử để “chấn chỉnh” nghệ sĩ chính thức được ban hành

Sự kiện văn hóa nổi bật trong năm 2021 không thể không nhắc đến Bộ quy tắc ứng xử để “chấn chỉnh” nghệ sĩ chính thức được ban hành.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vào ngày 13/12/2021. Đây được xem là phương thức nhằm “chấn chỉnh” những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trước nhiều biểu hiện lệch chuẩn hành vi.

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm 3 chương, 11 điều, trong đó chương I quy định Mục đích, phạm vi, đối tượng, giải thích từ ngữ; chương II Quy tắc ứng xử; chương III là Tổ chức thực hiện. Phạm vi áp dụng của Bộ Quy tắc này là đối với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật. Bộ Quy tắc này cũng áp dụng cho tất cả các hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng khác.

Vụ lùm xùm bản quyền ca khúc bị “nhận vơ”, nhiều nghệ sĩ kêu cứu

Từ sự việc bản quyền của “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube bị BH Media tung “gậy bản quyền” khiến dư luận xôn xao. Đơn vị này tiếp tục gây phẫn nộ khi xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều nghệ sĩ kêu cứu vì bị BH Media tung “gậy bản quyền” các ca khúc thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đơn vị này bị NSND Thu Hiền “tố” đã mạo danh bà lập kênh “NSND Thu Hiền” trên YouTube hòng kiếm lợi. Ngoài ra, đơn vị này còn tự ý đưa các sản phẩm âm nhạc của NSND Thu Hiền lên khai thác và xác nhận quyền sở hữu mà chưa được phép của bà.

Khi sự việc chưa kịp lắng xuống, đơn vị này tiếp tục bị chỉ trích khi Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận ĐT Việt Nam – Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2020 diễn ra vào ngày 6/12/2021. Thời điểm tắt tiếng, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button