Danh Sách Dịch Vụ

Top 13 Sự kiện Chính trị – Xã hội nổi bật nhất 2021

Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 – 2025 mà còn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, với Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. 2021 cũng là năm đầy sóng gió, đất nước kiên cường chống chọi, vượt qua đại dịch COVID-19. Năm nhiều niềm vui và cả những mất mát, đau thương. Nhưng trên hết, vẫn là một Việt Nam ghi dấu ấn thành tựu về xã hội. Chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật trong năm 2021.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Ngày 8/3, sau hơn một năm dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu phủ hai mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người. Việt Nam từng thành công với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi – rubella cho trẻ em. Song, lần này quy mô và tốc độ rất khác biệt.

Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y… được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.

Chiến lược ngoại giao vaccine đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó mũi một là 76,6 triệu, mũi hai là 64,8 triệu. Chứng nhận tiêm chủng Covid được cập nhật trên ứng dụng điện thoại như một loại giấy thông hành để người dân tham gia các hoạt động xã hội.

Tiêm chủng là một trụ cột trong chiến lược “thích ứng an toàn”, được cụ thể hóa bằng công thức “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân”.

Người lao động di cư khỏi thành phố

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các địa phương như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nhiều năm nay là nơi lập nghiệp, mưu sinh của hàng triệu người dân khắp cả nước. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh ở các đô thị này, chính quyền thực hiện giãn cách xã hội suốt 4 tháng liền đã ảnh hưởng phần lớn người dân. Nhiều tháng phải ở nhà, không có thu nhập, cả triệu người quyết định “hồi hương” vì “không còn khả năng trụ lại”. Trong đó, nhiều gia đình vượt cả nghìn km bằng xe máy, hoặc đi bộ để về quê.

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Những con số này chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đây chính là cao điểm của làn sóng hồi hương, chỉ trong vài ngày, hàng trăm nghìn người lũ lượt rời các đô thị lớn bằng xe máy để về quê, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây.

Làn sóng hồi hương hiếm có trong lịch sử đã đặt ra nhiều bài toán lớn cho các nhà quản lý, nhất là bài toán an sinh xã hội và phân bố lao động. Ngoài bảo đảm việc làm, các đô thị lớn, nhiều khu công nghiệp cần có chiến lược bài bản chăm lo đời sống, đào tạo nghề, nơi lưu trú… để giữ chân lao động.

“Biệt dược” phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tháng 10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thống nhất ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi cán bộ tham nhũng, tiêu cực; xử nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trung ương sửa đổi, ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47). Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những quy định mới được ví như “biệt dược” ngăn ngừa, đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng, hệ thống chính trị; giúp cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục

Theo thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 301,73 tỷ USD và nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 602 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái dù chưa có số liệu tháng cuối năm.

Sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại từ tháng 9. Đến nay có 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thuỷ sản.

Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, chuỗi cung ứng dần toàn cầu hồi phục dần sau dịch và nhu cầu của các thị trường tăng trở lại là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm. Tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài gần nửa năm nhờ đó được chấm dứt.

Ở chiều nhập khẩu, có 5 nhóm hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tiếp tục là những bạn hàng lớn nhất của doanh nghiệp Việt. Bộ Công Thương dự đoán kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm chạm mức 660 tỷ USD, tức có thêm 58 tỷ USD trong tháng cuối năm và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Bất chấp khó khăn, GDP tăng trưởng dương

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế Việt Nam. Các “đầu tàu” kinh tế TPHCM, Hà Nội, Bình Dương phải cách ly xã hội trong thời gian dài. Có thời điểm, nền kinh tế gần như ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Như lò xo bị nén, khi dịch tạm được kiểm soát, nền kinh tế lập tức bật tung, góp phần giữ đà tăng trưởng GDP dương. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), GDP năm 2021 của Việt Nam tăng khoảng 2%. Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra từ đầu năm nhưng giữ được đà tăng trưởng dương là một kỳ tích của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Điểm sáng là xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 44 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như hạt điều, hồ tiêu. Theo Bộ Công Thương, cả năm 2021, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cùng đó, xuất khẩu nông sản gặt hái tích cực, đang hướng tới mốc lịch sử 47 tỷ USD. Theo Bộ NN&PTNT đây là thành quả hướng đi đúng đắn: Xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu; nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

22 triệu học sinh, sinh viên không được đến trường

Ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trải qua một năm bị Covid-19 “đảo lộn và tàn phá”. Phần lớn trong số 22 triệu học sinh – sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại. Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay phải sử dụng nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho lớp 1 đến thực hành của sinh viên đều tiến hành online, qua livestream, video mô phỏng. Khối trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Hoạt động thi cử, tuyển sinh phải điều chỉnh cả cách thức lẫn tiêu chí. Các đợt đánh giá định kỳ, thậm chí tuyển sinh lớp 6, lớp 10 ở nhiều tỉnh thành diễn ra trực tuyến, ít nhiều ảnh hưởng đến tính công bằng và hiệu quả xét tuyển. Ở quy mô toàn quốc, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Đại dịch trở thành cuộc sát hạch năng lực ngành giáo dục, làm bộc lộ bất cập cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ lẫn chất lượng nhân sự. Gần 1,9 triệu học sinh thiếu thiết bị tối thiểu để học online; hàng triệu em khác học trong điều kiện nghẽn mạng, trục trặc phần mềm. Nhiều giáo viên hạn chế về trình độ, kỹ năng làm chủ công nghệ… Tất cả những nguyên nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Bộ thừa nhận “dạy trực tuyến không thể đòi hỏi hiệu quả như trực tiếp”.

Nhưng Covid-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới. Bộ nhiều lần điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung cốt lõi. Nhiều trường đổi mới cách ra đề, cách thi, linh hoạt trong đánh giá học sinh. Mặt bằng trình độ công nghệ của giáo viên cả nước được cải thiện.

Xa hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo tính đến việc chuyển đổi số, xây dựng nền tảng học trực tuyến tầm quốc gia với kho học liệu lớn. Bộ sẽ nghiên cứu pháp chế hóa quy định, hướng dẫn, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo, như cách thế giới đang hướng đến.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu – đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, trong đó 01 đại biểu không được xác nhận tư cách đại biểu trúng cử.

Do đó, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ngày 20/7, Quốc hội khoá XV họp kỳ thứ nhất bầu và phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Cả dân tộc đoàn kết, nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19

Năm 2021, biến chủng Delta xuất hiện đã khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận rồi lan ra cả nước. Hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh, hơn 30.000 người tử vong. Hệ thống y tế nhiều tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM quá tải, ngành y tế cả nước phải huy động một lượng lớn nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ. Hà Nội, TPHCM, 16 tỉnh thành phía Nam và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Chuỗi sản xuất, giao thông – vận tải đứt gãy. Ngày 11/10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mở ra giai đoạn mới, áp dụng biện pháp chống dịch thống nhất toàn quốc. Dịch bệnh khiến ngành Giáo dục đối mặt nhiều thách thức, nhiều địa phương phải đóng cửa hàng loạt trường học, học sinh và sinh viên học trực tuyến kéo dài, các trường mầm non đóng cửa hoàn toàn. Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở TPHCM và xung quanh khiến Đảng, Chính phủ quyết điều động lực lượng Quân đội vào trận.

Nhờ các biện pháp kiên quyết, tổng lực, dịch bệnh tuy vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã được kiểm soát.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á ngày 10/11 khẳng định: Năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21 tỷ đô la Mỹ.

Triệt phá những vụ trục lợi chấn động từ dịch bệnh, đánh mạnh các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia và lừa đảo qua mạng

Năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y: Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc BV Mắt TPHCM… Trong đó, ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy trình xét duyệt hồ sơ, cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Sự việc còn chưa lắng xuống, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Cùng bị khởi tố còn có Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến – giám đốc, Nguyễn Mạnh Cường – nguyên kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương. Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 và đã cung ứng kit cho nhiều tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt cho nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để nâng giá bán bộ kit lên 470.000 đồng; đồng thời chi phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện, CDC. Tại Hải Dương, đã chi gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến trong gói hợp đồng 151 tỷ hợp đồng. Trước đó, vụ án nâng khống giá máy thở cũng bị triệt phá.

Năm 2021, lực lượng công an liên tiếp bóc gỡ các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, số tiền giao dịch hàng chục nghìn tỷ đồng do các đối tượng trẻ tuổi cầm đầu. Tháng 11/2021, Cục Cảnh sát Hình sự triệt phá đường dây đánh bạc 1,1 tỷ Euro do Đỗ Ngọc Hà (SN 1984) và Bùi Hoàng Sơn (SN 1988, cùng trú tại Hà Nội) cầm đầu; Công an TP HCM triệt phá đường dây đánh bạc 87.000 tỷ đồng do Huỳnh Long Bạch (SN 1991) và Nguyễn Đắc Quý (SN 1994, cùng trú tại TP HCM) cầm đầu…Trong đó, nhiều đường dây đánh bạc biến tướng, hoạt động theo kiểu đa cấp, núp bóng kinh doanh đầu tư tiền ảo USDT, ETH, TRON…

Chứng khoán bùng nổ – Đấu giá đất lập kỷ lục khó tin

Vàng SJC tăng giá hơn 10% trong năm nay. Tháng 11 vàng vượt 62 triệu đồng/lượng. Sản xuất ngưng trệ, lãi suất ngân hàng xuống thấp, người dân đổ tiền vào chứng khoán, tạo nên nhiều kỷ lục mới. Quy mô vốn hóa thị trường tương đương 133% GDP. VN-Index lập đỉnh lịch sử, vượt 1.500 điểm. Tiền cuồn cuộn chảy vào chứng khoán, thanh khoản thị trường có phiên kỷ lục gần 52.000 tỷ đồng. Cá nhân trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản, lớn hơn 4 năm gần nhất (2017 – 2020) cộng lại.

Dòng tiền dường như cũng đang đổ mạnh sang lĩnh vực bất động sản, dù các chủ đầu tư không có thêm nhiều dự án mới. Giá đất nền một số địa phương tăng 20-45%; giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tăng bình quân khoảng 8 – 10%. Thị trường căn hộ ghi nhận giá kỷ lục lên tới 800 triệu đồng/m2 xuất hiện tại Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, phiên đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm vào những ngày cuối năm đã gây choáng váng giới đầu tư bởi đỉnh giá mới: 2,45 tỷ đồng/m2.

Sau một số trường hợp trúng đấu giá cao bất thường, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chính trong việc đánh giá tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường nhà ở, bất động sản; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định; đơn vị nào vi phạm quy định phải xử lý nghiêm.

90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Tuổi trẻ cả nước xung kích trên tuyến đầu dập dịch

Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa của đoàn viên, thanh, thiếu nhi cả nước. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta”. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCH T.Ư Đoàn ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với 8 chương trình và 13 chỉ tiêu, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Năm 2021 là năm chiến dịch Thanh niên tình nguyện có nhiều hoạt động chưa từng có – vượt lên tầm của một chiến dịch tình nguyện hè. Với phương châm “3T” (Tiên phong – Tương trợ – Thích ứng), Đoàn và tuổi trẻ cả nước đã thành lập được hơn 34.000 đội hình tình nguyện hỗ trợ các khu cách ly tập trung, hơn 49.000 đội hình hỗ trợ trực chốt kiểm soát… Gần 2,4 triệu lượt ĐVTN tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên mọi miền đất nước, đặc biệt là tâm dịch TPHCM. Tuổi trẻ đã xung kích trên mặt trận chống dịch, truy vết, lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin, điều trị F0, trực chốt, tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp người dân. Cùng đó là các chương trình xã hội – thiện nguyện quy mô rộng lớn và đầy ý nghĩa của Đoàn – Hội như Triệu túi an sinh, Máy tính cho em, Nối vòng tay thương (đỡ đầu trẻ mồ côi do đại dịch)…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ 25/1 đến 1/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội, với 1.500 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các mục tiêu cụ thể:

  • Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
  • Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
  • Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 – 2025 mà còn tầm nhìn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và chúng ta gọi đây là khát vọng phồn vinh dân tộc.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính Covid-19 là nam lễ tân khách sạn tại Yên Bái. Giai đoạn đầu, dịch bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất kể từ khi Covid-19 xâm nhập.

Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23/12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước. Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, nguy hiểm hơn các chủng trước, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân.

TP HCM ghi nhận ca nhiễm muộn hơn, khoảng cuối tháng 5, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Các ổ dịch cộng đồng liên tục xuất hiện do dịch đã “thấm sâu” nhiều chu kỳ. Hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. Thành phố trải qua những ngày “đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử”.

Cả nước cũng thực hiện cuộc điều động chưa từng có sau chiến tranh với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an… vào Nam hỗ trợ chống dịch. Nhiều biện pháp lần đầu tiên được áp dụng như xét nghiệm toàn thành phố; mở hàng loạt bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức; điều trị F0 tại nhà…

Đến tháng 10, dịch dần được kiềm chế. Quá trình dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng khiến đầu tàu kinh tế phía Nam tổn thương nặng nề. Xác định “không thể cách ly, phong tỏa mãi”, ngày 11/10, Việt Nam chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Trả lời

Back to top button