“Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Minh Châu, được viết năm 1983. Tác phẩm có những tình huống vô cùng đặc sắc, thể hiện được cái nhìn đa diện, đa chiều từ cuộc sống. Đây có thể nói là tác phẩm trọng tâm thường xuất hiện trong các đề thi THPT. Để phân tích tốt tác phẩm này và chinh phục người chấm các em cần viết được mở bài ấn tượng và kết bài sâu lắng. Cùng tham khảo một số mẫu dưới đây nhé.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 6
Mở bài:
Bước qua khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc yên bình. Thế nhưng, trong cuộc sống thời hậu chiến, những con người nhỏ bé, đáng thương vẫn phải “vật lộn” với những lo toan, mưu sinh để rồi bao bi kịch, nghịch lí nảy sinh từ đói nghèo. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Truyện ngắn không chỉ thể hiện sự trăn trở, xót xa trước những nghịch cảnh, góc khuất của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm của nghệ thuật cũng như điểm nhìn, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nghệ thuật cần hướng đến cuộc đời, người nghệ sĩ cần gắn bó để đồng cảm với những nỗi đau của con người.
Kết bài:
Với sự cách tân đổi mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật Nguyễn Minh Châu đã tạo nên tác phẩm xuất sắc. Không lấy những người hùng làm nhân vật trung tâm mà đi sâu tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp ở những con người bình thường. Tác phẩm cũng là những đúc kết thấu đáo về nghệ thuật và con người: về con người, phải nhìn nhận đa chiều, đa diện, không nên đánh giá phiến diện, một chiều; về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời, xuất phát từ cuộc đời và quay trở lại phục vụ cho cuộc đời.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 2
Mở bài:
Nguyễn Minh Châu (1930- 1989), quê ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông được xem là người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bức tranh” và đặc biệt là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết vào những năm đầu thời kì đổi mới. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu: với cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện độc đáo và sáng tạo.
Kết bài:
Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của cuộc đời, biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời khốn khó. Từ tình huống truyện có ý nghĩa như một nút thắt để người đọc khám phá về sự thật cuộc đời, từ những thay đổi trong nhận thức con người, tác giả đã chỉ rõ mối liên hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhà văn cũng như thư ký của thời đại, phải có trách nhiệm tái hiện cuộc sống trong ngòi bút nghệ thuật của mình.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 1
Mở bài:
“Chiếc thuyền ngoài xa” là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu. Từ câu chuyện về một tác phẩm nghệ thuật và một bức ảnh để đời, truyện ngắn đã mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn cuộc sống và con người, một cái đa diện, đa chiều về vẻ đẹp của bên ngoài của hiện tượng.
Kết bài:
Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên bài học về cái nhìn đa diện, cái nhìn khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sĩ chân chính. Từ tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống và qua sự thay đổi nhận thức của Phùng, của Đẩu, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Theo ông, bổn phận của người nghệ sĩ là phải phát hiện ra bản chất của cuộc đời. Cái Đẹp, cái Thiện trước hết phải là sự chân thực, Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 9
Mở bài:
Vẻ đẹp của cuộc sống luôn thường trực xung quanh chúng ta. Mỗi con người có một cách cảm nhận về vẻ đẹp khác nhau. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu đã vẽ ra trước mặt bạn đọc bức tranh tuyệt đẹp dưới con mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy là những sự thật đau lòng.
Kết bài:
Hai phát hiện của nhân vật Phùng là hai phát hiện mang tính trái ngược. Thế nhưng chính điều đó lại làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm cũng như dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm. Cuộc sống là một bài học mà chúng ta phải lật giở từng trang, hiểu sâu về nó, chứ không phải chỉ ngắm nhìn qua cái vẻ ngoài đẹp tuyệt mỹ. Và người nghệ sĩ là người có trách nhiệm khám phá mọi góc cạnh của cuộc đời, của con người để hiểu thấu họ.
Có thể nói, hai phát hiện của Phùng là yếu tố quyết định và làm nên tầng giá trị tư tưởng cho truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Bằng vốn sống phong phú cùng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Minh Châu làm nên thành công của tác phẩm.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 8
Mở bài:
Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một “tuyên ngôn nghệ thuật” nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
Kết bài:
Có thể nói, với truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc cảm nhận được sự đa chiều của cuộc sống. Giống như là bản nhạc không chỉ có những thanh âm trong trẻo, nhẹ nhàng mà còn chứa đựng những giai điệu bay bổng, cao vút, cuộc sống luôn tồn tại song song những niềm vui, hạnh phúc còn có cả những đớn đau, bất hạnh… vì thế mà con người phải luôn nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc nhất để tránh được cái nhìn ấu trĩ, giản đơn.
Giá trị đích thực của một tác phẩm là phải phản ánh được cuộc sống thật của con người như chính Nguyễn Minh Châu đã quan niệm: “Trên con đường đến chủ nghĩa hiện thực đôi khi chúng ta phải khai chiến cả với những quan niệm tốt đẹp và lâu dài của chính mình”.
Sự phát hiện mới mẻ của nhà văn chính là một trào lưu văn học mới cho các thế hệ nhà văn noi theo, điều đó đã giúp cho Nguyễn Minh Châu trở thành cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới như nhà văn Nguyên Ngọc từng ca ngợi: “Nguyễn Minh Châu thuộc một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài hoa nhất của văn học ta hiện nay”.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 3
Mở bài:
Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) quê ở huyện Quỳnh Lưu, thuộc tỉnh Nghệ An. Ông được biết đến là cây bút tài năng của nền Văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng với những vấn đề về đạo đức, triết lí nhân sinh.
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Những khám phá của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm là hiện tượng con người chấp nhận những nghịch lí của đời sống mà đáng lẽ người ta phải từ chối nó, là cảnh tăm tối, đói khổ và vô cùng bấp bênh của cư dân làng chài lượt ven các đầm phá miền Trung mà không lối thoát, là tình thương của người mẹ thể hiện bằng sự cam chịu đang hủy hoại tâm hồn của đứa con.
Kết bài:
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Mỗi người trong cõi đời,nhất là người nghệ sĩ,không thể đơn giản,sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. Cần một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lí của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 4
Mở bài:
Văn học văn xuôi Việt Nam luôn có những bước tiến quan trọng qua mỗi thời kì. Nếu văn học trước năm 1975, ta thường bắt gặp những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi ca ngợi về những con người anh hùng trong chiến tranh. Thì sau năm 1975 cùng với công cuộc dựng xây đất nước, nền văn học cũng có sự thay đổi. Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự đời tư cùng triết lý nhân sinh của con người. Nguyễn Minh Châu là đại diện cho sự thay đổi này, đặc biệt ông được coi là người tiên phong tài năng nhất. Trong đó, “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm thành công của ông, chứa đựng những triết lý sâu sắc về con người, về cuộc sống hiện thực ngoài kia.
Kết bài:
Với tình huống truyện đặc sắc, chân thực Chiếc thuyền ngoài xa mang giá trị nhân đạo và nhân bản sâu sắc. Cuộc đời này gồm cả rồng phượng, gồm cả đúng sai, tốt xấu. Bởi vậy khi đánh giá bất cứ điều gì cũng không nên hời hợt. Cuộc sống này vô cùng phức tạp, để hiểu nó cần phải soi ngắm từ nhiều phía, nhiều góc cạnh. Bài học cho Phùng và Đầu cũng chính là những gì Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm đến các thế hệ bạn đọc.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 7
Mở bài:
Nếu như với thi hào Chearles Dubos thì “văn học đó là tư tưởng đi tìm các đẹp trong ánh sáng thì với nhà văn Thạch Lam, văn học là một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thể giới giả dối, tàn ác, vừa làm lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn.” Và đối với Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng: “Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật”. Thông qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nhà văn đã làm sáng tỏ quan điểm trên qua hình tượng người đàn bà lam lũ, cơ cực đằng sau bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ.
Kết bài:
Từ thiên hướng khai thác hiện thực đời sống thuận chiều, một chiều trước 1975, với những tác phẩm đậm đà chất lãng mạn cách mạng và sử thi, những tác phẩm ở chặng sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu trở về với chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo nhằm khám phá những phức tạp mới nảy sinh sau chiến tranh.
Sự đổi mới trong cách nhìn hiện thực, khát vọng của mình về khả năng tác động kì diệu của văn học đối với đời sống và con người; đặt vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, điều này đã được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa.”
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn. Nếu nhìn cuộc sống một cách hời hợt, theo cảm tính, theo sách vở… thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lí nhưng có lí của thực tế cuộc sống.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 10
Mở bài:
Trong cuộc sống phức tạp này, sự thật đôi khi không phải là điều ngay trước mắt mà sự thật là cái ẩn giấu bên trong. Vì vậy muốn nhìn nhận đúng về cuộc sống về con người, chúng ta phải nhìn vào cái bên trong, bản chất thật, nhìn cuộc sống một cách đa diện. Giống như nhân vật người đàn bà làng chài của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa. Mang vẻ bề ngoài xấu xí, nhưng phẩm chất bên trong lại vô cùng tốt đẹp.
Kết bài:
Không phải ngẫu nhiên tác giả chỉ gọi nhân vật là “người đàn bà”, có lẽ không phải chỉ một người đàn bà duy nhất, mà có thể chúng ta còn bắt gặp rất nhiều người đàn bà có chung cảnh ngộ ở bất cứ bãi biển xinh đẹp nào. Nguyễn Minh Châu đã vẽ lên một bức chân dung khiến cho người đọc phải suy ngẫm, phải trăn trở về cuộc sống của rất nhiều người xung quanh chúng ta.
Và cái hình ảnh mà nhiếp ảnh Phùng chụp được cũng như những gì anh nghĩ về người đàn bà này là triết lí, một triết lí cho cái nhìn nhận đa chiều về cuộc sống này. Tấm lưng bạc phếch, ướt sũng của người đàn bà này có lẽ còn ám ảnh rất nhiều người nữa.
Người đàn bà đó chính là nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, cũng như tác giả đã dùng cái tâm để vẽ lên hình ảnh đó. Hình ảnh người đàn bà làng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đã gửi gắm nhiều thông điệp đến người đọc về cuộc sống, phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ.
Mở bài và kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa” số 5
Mở bài:
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt nam hiện đại. Ông là người mở đường tinh anh và thành công nhất của nền văn học thời kì đổi mới. Mang một ước nguyện khám phá con người ở bên trong con người, ông đã mang đến cái nhìn đa chiều các sự việc và con người trong cuộc sống vào tác phẩm của mình. “Chiếc thuyền ngoài xa” cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này của ông. Nhân vật người đàn bà hàng chài được tác giả khắc học và phăm phá bằng cái nhìn đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có khi được hiện lên từ sự quan sát, cảm nhận của nhân vật Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh với tâm hồn nhạy cảm, phong phú, có lúc chị tự bộc lộ mình qua những lời nói, hành động trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Khi khám phá tính cách của người đàn bà hàng chài, ấn tượng đầu tiên Nguyễn Minh Châu muốn đem đến cho người đọc là vẻ ngoài xấu xí, lam lũ cùng với vẻ cam chịu đến nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này ẩn dấu những vẻ đẹp nhân tâm của phụ nữ Việt nam hiên đại.
Kết bài:
Qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, chúng ta có thể hiểu vì sao Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “thuộc trong số những nhà văn mở đường cho tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”. Thông qua các nhân vật trong truyện, nhà văn đã cho ta thấy hành trình khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự với việc đặt con người, cách nhìn con người lên làm trung tâm của sáng tạo văn chương, nghệ thuật.