Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trên con đường đi đến thành công của bạn, tuy nhiên để giao tiếp tốt, bạn cũng cần học hỏi, thực hành trong một thời gian dài và tôi chắc chắn với bạn rằng, khi bạn kiên trì với những phương pháp sau, bạn có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình.
Phát âm
Nếu bạn phát âm đúng từ ngữ thì người nghe sẽ không hiểu lầm ý tưởng của bạn, bên cạnh đó nói với âm lượng vừa phải sẽ giúp họ dễ hiểu hơn. Bạn hãy tránh việc đọc sai và phải lặp lại vì nó khá kì quặc, thậm chí làm mất lòng tin của người nghe.
Hãy luyện tập trước gương về phát âm lẫn biểu cảm trên khuôn mặt, kiên trì mỗi ngày, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của mình.
Ngôn ngữ hình thể
Ngôn ngữ hình thể không hề thừa thãi trong cuộc giao tiếp của bạn mà nó đóng vai trò khá quan trọng và có thể giúp cho cuộc đối thoại trở nên sống động hơn. Ngôn ngữ hình thể còn góp phần tạo nên sự ấn tượng của bạn đối với người đối diện.
Biểu hiện của người tự tin: Tư thế đứng thẳng lưng, luôn duy trì giao tiếp bằng mắt và nụ cười, cử chỉ tay quả quyết, khoan thai. Lời nói chậm rãi, rõ ràng. Âm lượng vừa phải.
Đặc biệt bạn cần lưu ý rằng ý nghĩa ngôn ngữ cơ thể có thể khác nhau giữa những văn hóa khác nhau, vì vậy bạn cần tìm hiểu trước khi sử dụng chúng cho từng đối tượng nhé.
Tin tưởng vào chính mình
Bạn không thể thành công thuyết phục người khác khi chính bạn vẫn còn mơ màng với ý nghĩ của mình, hãy thể hiện sự nhiệt tình của bạn trong từng ngôn ngữ nói (lời nói và cử chỉ).
Ý tưởng là của bạn nên bạn sẽ hiểu nó hơn ai hết, tin tưởng vào ý tưởng của mình sẽ giúp bạn thuyết phục người nghe cùng tin vào ý tưởng của bạn.
Ngắt quãng
Nếu bạn vô tình quên đi những điều bạn sẽ nói tiếp theo, sự ngắt quãng sẽ có thể giúp bạn nhanh chóng nghĩ đến ý tưởng tiếp theo nhưng đừng ngắt quãng quá lâu hay quá lộ liễu vì nó có thể bị hiểu nhầm là sự thiếu tự tin. Ngoài ra việc ngắt quãng có thể giúp người nghe thấu hiểu thông tin của bạn hơn.
Nhịp độ nói
Bạn không nên giữ 1 nhịp độ nói cho toàn bộ ý tưởng của mình mà bạn có thể điều chỉnh nhịp độ nhanh chậm nhằm điều khiển không khí giao tiếp đó. Người nghe có thể thấy tràn đầy năng lượng hơn hoặc tập trung chú ý đến ý tưởng hơn đều nhờ vào cách xử lý nhịp độ nói của bạn.
Hãy tăng nhịp độ khi thấy sự thiếu quan tâm từ người nghe, tránh cảm giác buồn ngủ của giọng nói đều đều hoặc thay đổi âm lượng để nhấn mạnh vào ý chính. Tóm lại hãy đa dạng hóa bằng cách thay đổi nhịp độ phù hợp và liên tục nhé.
Sử dụng ánh mắt
Khi nói chuyện với người khác, việc nhìn vào mắt đối tượng nghe rất quan trọng, điều này sẽ giúp bạn chứng tỏ sự tự tin đối với người nghe và thông tin của bạn cũng rất đáng tin cậy. Tuy nhiên bạn cũng nên tránh việc tập trung quá lâu vào mắt họ vì sẽ khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu, bên cạnh đó việc trao đổi qua ánh mắt sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt được những gì mình cần đề cập để trả lời cho phản hồi từ ánh mắt của họ, ví dụ người nghe đang cảm thấy khó hiểu về một chi tiết, bạn có thể nhận ra điều đó và nhắc lại chi tiết này theo một cách khác hiệu quả hơn.
Cùng người nghe trao đổi
Để cuộc giao tiếp thành công hơn, người nghe nắm rõ ý tưởng của bạn hơn, bạn hãy để cho họ được nêu lên câu hỏi hoặc ý kiến hay quan điểm của họ, biết đâu những quan điểm của họ sẽ là thông tin quan trọng cho bạn.
Bạn nên tập trung lắng nghe và bày tỏ sự tôn trọng đối với câu hỏi cũng như ý kiến của người nghe vì họ đã dành thời gian để thấu hiểu những gì bạn trình bày, đến lúc bạn phải giải quyết khó khăn giúp họ, đừng chỉ tập trung vào những gì bạn muốn nói mà bỏ sót thông tin của người nghe. Tính kiên nhẫn cũng là chìa khóa giúp bạn gây ấn tượng và thành công trong giao tiếp.
Tóm lại một cuộc đối thoại thành công cần sự đóng góp của cả 2 phía, càng nhiều đóng góp có nghĩa là bạn đã thành công trong việc gửi gắm ý tưởng đến họ và họ cũng rất quan tâm đến ý tưởng của bạn.
Hiểu rõ những điều bản thân muốn nói
Bạn không thể thuyết phục người nghe hiểu và thỏa thuận với bạn nếu ngay cả bạn cũng không hiểu rõ những lời bạn sắp nói ra có ý nghĩa như thế nào.
Vì vậy trước nói hoặc đề nghị một vấn đề với đối tượng khác, bạn cần suy nghĩ thật kĩ trước khi nói để có thể tiếp cận vấn đề một cách chính xác nhất, tránh việc nói lan man gây hiểu sai ý hoặc mơ hồ cho người nghe, điều này sẽ giúp người nghe dễ dàng nắm bắt thông tin mà bạn muốn truyền đạt và có thể ghi nhớ được những ý tưởng của bạn.
Tuy nhiên để thành công trong việc thuyết phục người khác là một điều tương đối khó khăn, vì thế trước khi chúng ta trình bày quan điểm của mình với bất cứ một đối tượng nào, bạn cần phải tìm hiểu về họ trước. Sau đó thành lập cho mình một cách chi tiết những điều bạn muốn nói.
Tóm lại, bạn cần hiểu rõ những ý tưởng của bạn, hiểu đối tượng bạn sẽ trình bày, sau đó thành lập chi tiết những điều cần nói, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục người nghe hơn.
Kiểm soát sự sợ hãi
Mỗi chúng ta đều đề cao bản thân mình, đặc biệt là lòng tự trọng, điều này đã tạo nên một hàng rào ngăn cách chúng ta truyền đạt thông tin đến người nghe. Hãy ngưng ý nghĩ rằng bạn sẽ không thể nhớ những gì mình sắp nói hay e ngại rằng họ không thể nắm bắt được thông tin mà bạn đang trình bày hay đơn giản nhất là bạn sợ thất bại.
Nếu như bạn đã hiểu rõ những gì bạn sắp nói ra, bạn chắc chắn sẽ biết cách để dẫn dắt người nghe đến với thông tin của bạn một cách chính xác nhất, dễ hiểu nhất. Đồng thời, bạn không thể quên ý tưởng của chính bạn vì bạn đã bỏ ra rất nhiều thời gian để sắp xếp và tạo ra chúng. Điều duy nhất bạn có thể làm là hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh, tất cả thông tin đã được bạn chuẩn bị rất kĩ càng, hãy trình bày chúng bằng niềm đam mê như khi bạn thực hiện chúng.
“Fake it til you make it” – hãy vờ như bạn làm được cho đến khi bạn thật sự làm được bạn nhé.
Tăng sự tập trung và tin cậy của người nghe
Bạn sẽ biết ý nào là ý chính trong ý tưởng của bạn, hãy thường xuyên nhắc lại chúng để khắc sâu vào tâm trí của người nghe đồng thời bạn có thể đặt một vài câu hỏi để giúp người nghe tư duy, dễ dàng nắm bắt rõ hơn về vấn đề chính của bạn.
Chú ý không nên nói ậm ừ quá nhiều sẽ khiến người nghe khó chịu và sự tin cậy đối với ý tưởng của bạn cũng sẽ bị giảm sút. Vì thế để hạn chế việc “à” “ừm”… thì bạn hãy nói chậm lại hoặc ngừng hẳn lại để suy nghĩ. Việc ậm ừ rất có thể xảy ra do thói quen của bạn hoặc do cảm giác hồi hộp, hãy ghi âm lại sau đó nghe và cố gắng loại bỏ thói quen đó nhé. Sau một thời gian, bạn sẽ không còn ậm ừ nữa.