Dưới đây là bài soạn hay nhất, chi tiết nhất mà Danhsachtop sưu tầm, gửi tới các bạn. Nhằm giúp các bạn học văn tốt hơn, các bạn hãy tham khảo bài soạn “Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm” trong sách giáo khoa Cánh Diều – Ngữ văn 10 nhé:
Bài soạn tham khảo số 2
1. Định hướng
a) Trong cuộc sống, mỗi người thường có những cử chỉ, hành động lặp đi lặp lại lâu ngày thành thói quen; có những quan niệm (cách hiểu, nhận thức,…) đã thành nếp nghĩ, khó thay đổi. Có nhiều thói quen tốt, quan niệm đúng đắn cần giữ gìn, phát huy. Tuy vậy, cũng có những thói quen xấu, quan niệm lạc hậu cần phải thay đổi, từ bỏ vì chúng tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cá nhân hoặc cộng đồng. Ví dụ: thói quen vứt rác bừa bãi, lãng phí thời gian, ỷ lại người khác, lạm dụng thuốc kháng sinh,… hoặc quan niệm không chơi với những bạn học kém hơn mình, có tiền là có tất cả,… Trong các trường hợp đó, chúng ta cần thuyết phục người có thói quen chưa tốt, quan niệm chưa đúng từ bỏ những thói quen và quan niệm ấy.
Viết bài luận thuyết phục là nêu ý kiến, sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục người có thói quen, quan niệm chưa đúng, tiêu cực thay đổi theo chiều hướng đúng đắn, tích cực.
* Tìm hiểu bài mẫu:
Câu hỏi (trang 81-82 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều):
- Người viết thuyết phục bố từ bỏ thuốc lá
- Lí do: tác hại thuốc lá gây ra với sức khoẻ con người và kinh tế nước nhà
- Bằng chứng: Mỗi năm thế giới có 890000 người chết vì thuốc lá, nhiều hơn số tử vong do tai nạn, bị lao và AIDS cộng lại. 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển. Trong khói thuốc lá có 7000 hoá chất, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ,…
- Tình cảm yêu thương, tôn trọng, đồng cảm. thái độ thuyết phục
b) Để viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, các em cần:
- Tìm hiểu đề (đọc kĩ đề bài, xác định đối tượng của bài viết, mục đích của bài viết thuyết phục từ bỏ thói quen hoặc quan niệm nào)
- Nêu lí do và phân tích các ảnh hưởng tiêu cực, tác hại của thói quen, quan niệm cần phải thay đổi, từ bỏ
- Có các dẫn chứng cụ thể, sinh dộng về những ảnh hưởng tiêu cực, tác hịa của thói quen, quan niệm đó
- Dự đoán phản ứng và lập luận của người có thói quen, quan niệm mà em muốn thuyết phục để nêu ý kiến phản biện của em.
2. Thực hành
Bài tập (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều): Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác thay đổi, từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:
Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay: Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.
Đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
a) Chuẩn bị
Lựa chọn đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
* Đọc kĩ bài tập, lựa chọn và xác định các yêu cầu sau:
- Đối tượng cần thuyết phục: những người có thói quen im lặng trước các vấn đề
- Mục đích: giúp những người này từ bỏ một thói quen không tốt
- Nội dung: vấn đề thói quen im lặng trước các vấn đề
- Hình thức: viết bài văn nghị luận
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
- Thế nào là “im lặng là vàng”? Thói quen ấy có tốt không?
- Tại sao cần thay đổi thói quen tin tưởng và hành động theo phương châm “im lặng là vàng”?
- Làm thế nào để thay đổi thói quen đó?
– Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục 3 phần:
1. Mở bài
Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết: mọi người cần từ bỏ thói quen tin tưởng và hành động theo phương châm “im lặng là vàng” bởi không phải lúc nào im lặng cũng tốt
2. Thân bài
a. Giải thích
- “im lặng” là gì?
- Thế nào là “im lặng là vàng”?
=> Cần từ bỏ phương châm “im lặng là vàng”
Chứng minh
– Tại sao cần từ bỏ phương châm “im lặng là vàng”?
- Im lặng thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội được thể hiện mình
- Chịu nhiều thiệt thòi, bất công
- Trở nên nhu nhược, bị người khác coi thường
- Không đạt được mục tiêu, lý tưởng của bản thân
- Trở nên bàng quan, vô cảm với mọi thứ
Dẫn chứng:
Mới 10 tuổi, Malala Yousafzai đã dám đứng lên cất tiếng nói của mình.
“Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy.
Những người đã đấu tranh vì quyền của mình:
Quyền được sống trong hòa bình
Quyền được đối xử tôn trọng
Quyền bình đẳng về cơ hội
Quyền được hưởng giáo dục”
Cuộc chiến của cô đã mang lại cho cô giải thưởng Nobel khi cô 17 tuổi; điều này khiến cô trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất mọi thời đại.
3. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề
c) Viết
- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.
- Chú ý sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp để thuyết phục người khác.
* Bài viết mẫu tham khảo:
Nếu đứng trong một cuộc tranh cãi, bạn sẽ im lặng lắng nghe hay lên tiếng đòi quyền lợi của bản thân? Nếu nhìn thấy chuyện bất bình, bạn sẽ làm lơ im lặng hay lên tiếng đấu tranh? Người ta thường nói “im lặng là vàng”. Liệu có phải phương châm ấy vẫn luôn đúng? Đối với tôi, không phải lúc nào im lặng cũng là điều cần thiết với mỗi người. Vì vậy, tôi cho rằng mọi người cần từ bỏ thói quen tin tưởng và hành động theo phương châm “im lặng là vàng”.
Trước hết, chúng ta phải hiểu “im lặng” là gì? “im lặng” là không lên tiếng, không dám thể hiện bản thân. Nhiều người cho rằng “im lặng là vàng” bởi nó sẽ giúp ta kiềm chế được cảm xúc, tránh được những thị phi, không bị ảnh hưởng bởi những thứ tiêu cực. Họ cho rằng nếu im lặng, họ sẽ được bình yên, không phải vướng bận điều gì, cũng tập trung hơn trong công việc.
Tuy nhiên, có phải lúc nào “im lặng” cũng là “vàng”? Sẽ ra sao nếu như tất cả con người đều im lặng? Điều gì cũng có hai mặt của nó và sự im lặng cũng vậy. “Im lặng” đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích nhưng cũng khiến ta phải chịu nhiều hậu quả. Trước hết, sự im lặng khiến chúng ta dần mất đi tiếng nói của bản thân và đánh mất chính mình. Hãy tưởng tượng, trong một cuộc thảo luận, nếu bạn chỉ im lặng, sẽ chẳng ai chú ý đến bạn, sẽ chẳng ai quan tâm bạn và dần dần họ sẽ quên mất bạn là ai. Nếu có suy nghĩ trái ngược với người khác nhưng bạn chọn cách âm thầm chấp nhận mà không lên tiếng thì bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình. Cơ hội với mỗi người chỉ đến một lần. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu là một người biết nắm bắt và lên tiếng đòi quyền lợi cho mình. Nếu chúng ta có tiếng nói, chúng ta sẽ được mọi người công nhận. Sự im lặng sẽ khiến bạn dần mất đi tự tin vào bản thân. Liệu bạn có thể theo đuổi lý tưởng nếu như luôn sợ sệt không dám bày tỏ chính kiến của mình? Dù ý kiến của bạn là đúng hay sai, nhưng nó thể hiện con người bạn và chúng ta không nên ngần ngại chứng tỏ khả năng của mình. Sự im lặng chỉ khiến cho bạn ngày càng nhu nhược, hèn nhát, yếu đuối, luôn bị người khác coi thường, luôn phải chịu những thiệt thòi, bất công. Vì vậy, hãy lên tiếng vì chính bạn!
Sự im lặng của con người đôi khi trở nên thật đáng sợ! Bạn im lặng khi thấy một hành động phi pháp? Bạn im lặng khi đi ngang qua một người gặp nạn? Bạn im lặng trong những cuộc tranh luận? Bạn im lặng trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội? … Cuộc sống như vậy chẳng phải thật nhạt nhẽo hay sao? Sự im lặng không chỉ khiến bạn mất đi tiếng nói mà còn khiến bạn trở nên bàng quan, vô cảm. Thật đáng buồn khi xã hội hiện nay con người thấy cái xấu cái ác mà không lên tiếng, thấy cái buồn cái khổ mà không hành động! Nếu ai cũng như vậy, xã hội của chúng ta sẽ thật xấu xí: mọi người chỉ nghĩ cho riêng mình, không ai biết sống vì tập thể, bàng quan trước cái xấu cái ác lộng hành. Như thế, chẳng những cuộc sống bạn bị ảnh hưởng mà nền văn minh nhân loại cũng không thể phát triển. Chính vì vậy, hãy lên tiếng, đừng để tiếng nói của bạn chìm nghỉm trong vô vọng. Nhờ lên tiếng, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã kêu gọi được sự viện trợ quốc tế, sự đồng cảm của các dân tộc trên toàn thế giới trong cuộc hội nghị quốc tế. Nhờ lên tiếng, cô bé Malala Yousafzai đã trở thành người đạt giải Nobel trẻ tuổi nhất khi cô mới 17 tuổi. Malala Yousafzai đã dám đứng lên cất tiếng nói của mình để đòi quyền lợi cho con người, đặc biệt là người phụ nữ:
“Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy.
Những người đã đấu tranh vì quyền của mình:
- Quyền được sống trong hòa bình
- Quyền được đối xử tôn trọng
- Quyền bình đẳng về cơ hội
- Quyền được hưởng giáo dục”
Như vậy, lên tiếng chính là một cách để chúng ta khẳng định giá trị của bản thân, thể hiện quyền bình đẳng và bảo vệ chính nghĩa. Có thể bạn sẽ cho rằng, khi lên tiếng, chúng ta sẽ không thể làm chủ được bản thân, gây ra những mâu thuẫn với người khác. Đúng vậy. Nhưng nếu bạn cứ im lặng thì liệu mâu thuẫn ấy có được giải quyết hay cứ để nó tồn tại âm thầm rồi một ngày nào đó sẽ bùng lên mạnh mẽ thành xung đột? Vì vậy, bạn phải lên tiếng mới có thể hoá giải được những hiểu lầm, mâu thuẫn. Tất nhiên, chúng ta cũng không lên bộc phát lên tiếng mà chưa suy nghĩ kĩ càng. Vì vậy, tuỳ hoàn cảnh, tình huống, hãy lựa chọn lên tiếng một cách khéo léo.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Bài soạn tham khảo số 3
Bài tập: Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác thay đổi, từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:
Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.
Đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
BÀI LÀM
Đề 1:
Khi nền y học ngày càng phát triển, sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn, chúng giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, rất nhiều người lại có thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc dến đến nhiều tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, đã kéo theo nhiều hệ lụy về sau. Nguy hiểm hơn là góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc làm yếu và mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Vậy thế nào là thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh? Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Lạm dụng thuốc kháng sinh là sử dụng bừa bãi, bất kì bị bệnh, ôm, ho hay như thế nào cũng dùng thuốc kháng sinh mà không đúng liều lượng. Hiện nay, nhiều người sử dụng thuốc mà không đúng với mục đích gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Nhiều trường hợp khi thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng do virút, thậm chí là ho do dị ứng thời tiết hoặc khói bụi… là tự dùng kháng sinh. Trong khi đó thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút, tác nhân gây cảm cúm. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm ho thông thường khác do virút gây nên.
Ngoài ra, không ít bệnh nhân mua thuốc kháng sinh về uống nhưng lại tự ý muốn giảm liều dùng và thời gian điều trị. Dùng 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng của bệnh thì ngừng thuốc, không uống tiếp nữa. Và cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, sẽ bị tác dụng phụ… Có trường hợp khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Bên cạnh đó lại có những trường hợp dùng kéo dài hơn liệu trình “cho ăn chắc”. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày tuỳ theo từng người bệnh. Hay thậm chí, có rất nhiều người có suy nghĩ rằng kháng sinh chữa bách bệnh nên bất kỳ bị bệnh gì cũng mua kháng sinh về dùng. Trên thực tế, kháng sinh là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Nó chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn nhằm chống lại mầm bệnh đó. Mỗi loại kháng sinh lại có tác dụng trên một số vi khuẩn nhất định và phát huy hiệu quả tốt nhất tại một số cơ quan nhất định trên cơ thể. Vì thế, nếu sử dụng một loại kháng sinh duy nhất để chữa mọi loại bệnh nhiễm trùng là sai lầm…
Nếu chúng ta không dừng ngay lại những suy nghĩ và việc làm khi lạm dụng thuốc kháng sinh vào chữa bệnh thì sẽ để lại cho chúng ta rất nhiều hậu quả khôn lường. Đầu tiên, việc mà mọi người thấy rõ nhất là việc sử dụng kháng sinh chữa các bệnh do virút hoặc dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết… đã gây ra sự lãng phí và tốn kém vô ích vì những loại kháng sinh mạnh thường rất đắt tiền. Đồng thời, việc tự dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh hoặc chữa bệnh theo đơn thuốc của người khác… khiến cho bệnh không khỏi và còn dẫn đến nhiều biến chứng… khiến cho việc chữa trị bệnh sẽ kéo dài hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn. Rất nhiều trường hợp khi dùng kháng sinh mãi không khỏi mới tới bệnh viện khám bệnh làm cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ khó khăn hơn, bởi việc dùng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện sẽ làm cho hầu hết bệnh nhiễm trùng đều giảm hoặc mất triệu chứng đặc thù của bệnh.
Người ta đã từng ví thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng như con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Vì vậy, nhiều người tuỳ tiện dùng kháng sinh không những không khỏi bệnh mà còn được “tặng” thêm bệnh. Việc dùng kháng sinh tùy tiện ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh, thì kháng sinh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Vì vậy, khi dùng kháng sinh, người bệnh thường hay bị tiêu chảy, đau bụng… Kháng sinh còn có thể gây ra những tai biến như dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh sẽ có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường.
Vì vậy, để tránh những hậu quả trên và dùng thuốc được an toàn, hiệu quả khi có bệnh, mỗi chúng ta khi bị bệnh cần đi khám để được dùng đúng thuốc. Hãy nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.
Đề 2:
Vàng là một thứ quý trên thế gian, người ta vẫn nói: “Quý như vàng”. Câu nói “Im lặng là vàng” mang hàm ý khuyên mỗi người trong giao tiếp nên biết giữ im lặng, không nên tự bộc lộ mình hoặc can thiệp vào công việc của người khác, đó mới là khôn ngoan, chín chắn. Sự đúng đắn của quan điểm ấy chúng ta đã từng phân tích, thừa nhận, ca ngợi rất nhiều. Song Im lặng có phải lúc nào cũng là vàng hay không? Liệu có phải khi nào im lặng cũng là đúng đắn, tốt đẹp?
Câu nói của người xưa “Im lặng là vàng” nhằm thể hiện việc chúng ta cần thiết phải biết giữ im lặng đúng nơi đúng chỗ, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của ai đó, hoặc dốt nhưng lại thích thể hiện huênh hoang, nói nhiều càng lộ ra sự ngu dốt, thiếu học của mình, hoặc trong trường hợp gây gổ tranh cãi nổi nóng thì sự im lặng lại làm cho mọi việc tốt hơn. Im lặng là vàng nhằm khuyên nhủ con người nên biết ứng xử trong những tình huống khác nhau nhằm cư xử cho hợp lý, thể hiện thái độ chín chắn trưởng thành của một con người hiểu biết, có suy nghĩ. Sự đúng sai trong quan điểm cần phải được phân, cần phải suy xét trong từng trường hợp cụ thể, để có thể đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động… sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá… Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát. Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậy là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên “tiếng nói của mình”, cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ.
Câu nói “im lặng là vàng” là lời khuyên quý báu nhưng chỉ sử dụng trong một số hoàn cảnh phù hợp. Nó nhằm khuyên mỗi chúng ta cần phải im lặng, kìm chế bản thân tránh những sự va chạm không cần thiết trong cuộc sống. Nó còn thể hiện sự chín chắn suy nghĩ cẩn trọng của mỗi con người trước những câu nói mang tính châm chọc, kích bác. Tuy nhiên, nếu như lúc nào chúng ta cũng nghĩ tới lợi ích của mình mà im lặng, không tố cáo lên tiếng nói của bản thân về những hành vi xấu xa trong cuộc sống thì chúng ta thật sự là người xấu, tiếp tay cho cái xấu.
Bài soạn tham khảo số 1
Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài tập và xác định yêu cầu mà để đã chọn
- Nêu mục đích, đối tượng và cách thức thuyết phục.
Lời giải chi tiết:
Sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn của nền y học, chúng giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu biết về loại dược phẩm này, họ có xu hướng lạm dụng thuốc. Mọi người cần từ bỏ việc lạm dụng thuốc kháng sinh bởi thói quen này dẫn đến nhiều nguy cơ mà con người phải đối mặt trong điều trị bệnh tật.
Vậy thế nào là thuốc kháng sinh, là làm dụng thuốc kháng sinh? Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Lạm dụng thuốc kháng sinh là sử dụng bừa bãi, bất kì bị bệnh, ôm, ho hay như thế nào cũng dùng thuốc kháng sinh mà không đúng liều lượng. Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh của nhiều nhiều rất phố biến cụ thể như : “Tỷ lệ kháng erythromycin ở Việt Nam là 92,1%”, “Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 – 2009 cho thấy: năm 2009, 30 – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40 – 60% kháng với nhóm aminoglycosid và fluoroquinolon”, “ Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc của người bán thuốc lẫn người dân đều rất thấp. Có đến 88% số dân ở thành thị, 91% số dân ở nông thôn sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ”,… Vậy lí do gì mà người dân lại sử dụng thuốc kháng sinh nhiều như vậy? Đầu tiên phải nói đến do bệnh nhân: Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, vì ở ta việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến – đó là lý do dễ lạm dụng kháng sinh. Tiếp đến là do thầy thuốc: Trong thực tế hằng ngày, việc sử dụng kháng sinh cũng rộng rãi. Ví dụ, khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại kháng sinh nào là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc cũng dễ chỉ định sử dụng kháng sinh. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh. Lạm dụng thuốc kháng sinh không chỉ lãng phí mà còn gây tổn hại đến sức khỏe, các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh. Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán. Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế. Nhiều người khi dùng thuốc kháng sinh chỉ cho rằng nó thuận tiện, giá thành cũng không quá đắt nhưng người dân lại đâu biết rằng tác hại của nó vô cùng nghiêm trọng. Vậy nên mọi người cần làm gì để hạn chế hay bỏ tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh? Nguyên tắc bạn cần biết khi dùng thuốc kháng sinh đó là chỉ điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra và dùng chúng khi thực sự cần thiết, được bác sĩ đồng ý. Đúng liều: khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Đúng chỉ dẫn: Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. Điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
Nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai hoặc dùng trong chăn nuôi. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.
Có thể nói thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta không nên chủ quan. Tốt nhất, mỗi người cần có ý thức sử dụng thuốc phù hợp, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sau một thời gian điều trị bạn không thấy hiệu quả, hãy đi tái khám và nhận tư vấn từ bác sĩ “hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”.
Đề 2
Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài tập và xác định yêu cầu mà để đã chọn
- Nêu mục đích, đối tượng và cách thức thuyết phục.
Lời giải chi tiết:
Vàng được coi là một loại trang sức, kim loại vô cùng quý hiếm, chính vì vậy mà những thứ gì quý giá người xưa đều so sánh với vàng nhằm thể hiện sự quý giá của nó như “Thời gian là vàng” hay “Im lặng là vàng” nhằm thể hiện việc quan trọng của việc im lặng đúng lúc đúng chỗ, nhưng lúc nào cũng chọn sự im lặng vậy có tốt không?
Câu nói đó muốn chúng ta cần phải biết giữ im lặng đúng nơi đúng chỗ, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của ai đó, hoặc dốt nhưng lại thích thể hiện huênh hoang, nói nhiều càng lộ ra sự ngu dốt, thiếu học của mình, hoặc trong trường hợp gây gổ tranh cãi nổi nóng thì sự im lặng lại làm cho mọi việc tốt hơn. Khi mâu thuẫn đến, mỗi lời nói ra trong lúc không kiểm soát đều có thể trở thành những lưỡi dao gây tổn thương người khác. Bởi vậy, im lặng đôi khi còn giá trị hơn cả vạn lời nói…Dĩ nhiên, có phải trong tất cả tình huống, sự im lặng đều là vàng? Có nên im lặng trước cái ác, cái xấu; có nên im lặng trước cường quyền hay có nên im lặng trong các cuộc tranh luận khi mình có những suy nghĩ chín chắn, khách quan về vấn đề đó… Trong các tình huống đó mà mình im lặng tức là mình đánh mất bản thân và đang thỏa hiệp với cái ác, cái xấu. Vậy trường hợp nào nên im lặng? Pythagos từng nói: “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói”. Còn Martin Luther King Jr lại phát biểu: “Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng”. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ nên im lặng và lên tiếng trong tình huống cụ thể nào, không nên là kẻ ngậm miệng ăn tiền, rồi im lặng cho cái xấu cái ác hoành hành trong xã hội làm cho đạo đức con người trở nên suy thoái, xuống dốc. Bởi trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động… sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá… Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát. Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậy là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên “tiếng nói của mình”, cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ. Im lặng trong một cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung còn nói lên con người bạn nó thiếu quan điểm biết nhường nào. Khi ấy, bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm, xu hướng. Như vậy là trong cuộc sống, cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm.
Chính vì vậy, trong cuộc sống cần phải biết cân bằng giữa im lặng và lên tiếng phá vỡ im lặng khi cần thiết, không phải lúc nào sự im lặng cũng là vàng cần phải biết cân nhắc tùy hoàn cảnh mà sử dụng quyền im lặng của mình. Hãy coi câu nói của Martin Luther King là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Tôi tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Đừng bao giờ thỏa hiệp và làm ngơ trước cái xấu, bạn nhé!