Danh Sách Dịch Vụ

Top 4 Bài nghị luận về thị hiếu của giới trẻ ngày nay

Thế giới hội nhập, phát triển thì giới trẻ càng có cơ hội để tiếp xúc với nhiều kiến thức mới lạ. Để có cái nhìn đúng đắn tích cực thì độc giả có thể tham khảo những bài văn nghị luận về thị hiếu của giới trẻ ngày nay hay nhất mà Toplist sưu tầm.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa đã phát triển sự giao lưu giữa các nền văn hóa, giữa các dân tộc trên thế giới. Điều này đã thúc đẩy việc thanh niên mỗi quốc gia tiếp nhận những thị hiếu trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải thị hiếu nào cũng mang tính tích cực, đôi khi nó lại đem đến những hậu quả khó lường.

Thị hiếu là gì? Trước hết, nếu chiết tự từng tiếng thì “thị” có nghĩa là “ham thích, thích” còn “hiếu” cũng mang nghĩa tương tự, chỉ “thích, ham, ưa thích”. Như vậy, ghép nghĩa của hai tiếng này lại, ta sẽ giải nghĩa được từ “thị hiếu” – một từ chỉ xu hướng ham thích, thích thú một thứ, một việc gì đó và thường áp dụng cũng như thưởng thức chúng vào cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay, internet với tốc độ phủ sóng cao cùng sự phát triển giao lưu trên “không gian mạng” đã giúp thanh niên – những con người nhanh nhạy trước thay đổi của thời đại tiếp cận với nhiều thị hiếu khác nhau. Thanh niên chủ yếu bị thu hút bởi các thị hiếu về thẩm mĩ, thể hiện qua nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, xây dựng, kinh doanh,… Tuy nhiên, thanh niên hiện tại đang chưa có cảm nhận rõ ràng về thị hiếu, dẫn đến các lầm tưởng về thị hiếu của bản thân. Ta dễ dàng nhận thấy điều này thông qua cách ăn mặc, cách suy nghĩ, cảm thụ thẩm mỹ và những lời lẽ, phát ngôn… Một vài bạn trẻ dễ dàng cổ xúy cho mặt sai trái của tình yêu và hôn nhân, mốt thời trang lập dị, phản cảm “thiếu vải” hay các phát ngôn gây sốc dư luận. Đặc biệt, thanh niên giới trẻ đang có xu hướng yêu thích và đề cao thị hiếu với những giá trị văn hóa “nhập ngoại” mà gạt bỏ, thậm chí là “chà đạp” giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Một bộ phận người trẻ tuổi “sính ngoại”, đề cao “tung hô” phong tục tập quán của nền văn hóa khác mà lãng quên “cái hồn dân tộc”. Bên cạnh một số bạn “hòa nhập nhưng lại hòa tan” như vậy, ta cũng bắt gặp các bạn có cách tiếp nhận thị hiếu một cách tích cực khi đứng trước cơn sốt ảo, các trào lưu về văn hóa, nghệ thuật. Những bạn trẻ này biết cách tiếp thu đúng đắn, phù hợp với nhu cầu bản thân và chọn lọc những giá trị tốt đẹp để học hỏi. Hình ảnh các bạn thanh niên cùng nhau xây dựng và khôi phục lại trang phục từ triều đại nhà Lí, Trần đến Hậu Lê và Nguyễn đã làm chúng ta thêm tự hào về văn hiến của đất nước.

Thế giới hội nhập hiện nay dễ dàng tạo điều kiện cho thanh niên có nhiều cơ hội tiếp xúc và giao lưu với các nền văn hóa khác nhau. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây nên việc tiếp thu, phát triển một cách tiêu cực các thị hiếu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính bản thân các bạn trẻ khi có cái nhìn lệch lạc, quan điểm sai lầm, dẫn đến tiếp nhận những giá trị không phù hợp với chuẩn mực xã hội và truyền thông văn hóa dân tộc. Ngoài ra, một vài bạn dễ bị kích thích bởi cái mới mẻ nhưng không chịu tìm tòi kĩ càng.

Nếu không có sự chọn lọc các thị hiếu mang tính tốt đẹp và tích cực, điều gì sẽ xảy ra? Đầu tiên, xã hội văn minh bị ảnh hưởng bởi các trào lưu “độc hại”. Điều này kéo theo sự phát triển và gia tăng các giá trị thẩm mỹ, văn hóa “bẩn”. Không chỉ vậy, khi thị hiếu của thanh niên ngày càng có chiều hướng “sính ngoại”, chúng ta dễ dàng đánh mất đi bản sắc tốt đẹp của dân tộc và “hòa nhập thành hòa tan”. Bên cạnh đó, các bạn trẻ sẽ sa vào những tệ nạn, ứng xử ngày càng kém và đạo đức trở nên suy đồi.

Và để thị hiếu của thanh niên trở nên có định hướng đúng đắn hơn, mỗi người chúng ta cần tự có ý thức trong việc lựa chọn và tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Mỗi cá nhân phải trang bị kiến thức, kỹ năng để hội nhập thời đại toàn cầu. Ngoài ra, các đơn vị truyền thông, các nhà quản lý cần thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, chuyên đề tìm hiểu lịch sử, truyền thống của mỗi dân tộc. Không chỉ vậy, những người làm giáo dục cần phối hợp với gia đình để có phương pháp định hướng kiến thức về thị hiếu cho các bạn học sinh.

Như vậy, thị hiếu của thanh niên có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội hiện nay. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập, tìm hiểu và chọn lọc những kiến thức bổ ích để chung tay xây dựng nước nhà và truyền bá bản sắc tốt đẹp của dân tộc ra khắp năm châu bốn bể.

Trong thời đại ngày nay từ ngữ “thần tượng” đang là một hiện tượng xảy ra nhiều ở giới trẻ và trở thành một trào lưu gây sốt. Những ca sĩ, nghệ sĩ bắt đầu nổi danh với phong cách biểu diễn độc đáo, lôi cuốn đã trở thành thần tượng, sự ngưỡng mộ trong mắt của giới trẻ. Thần tượng mặc dù là điều không thể thiếu trong cuộc sống, tuy nhiên để nhận biết được thế nào là đúng thế nào là không nên thì chưa chắc bạn trẻ nào cũng nhận ra.

Thần tượng là một hiện tượng đang xảy ra với diễn biến mạnh ở giới trẻ khi trào lưu ca sỹ nào nổi lên mạnh mẽ thì sẽ kéo theo sự đam mê, ngưỡng mộ đến tôn thờ. Thần tượng chính là một hình mẫu lý tưởng đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khiến người hâm mộ chạy theo, một số người còn đua đòi học hỏi, làm theo để có thể được như thần tượng. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay còn lấy đó làm khuôn mẫu để mình phấn đấu trở thành như họ, nhưng họ lại không biết được “thần tượng” đó có thực sự ý nghĩa đối với bản thân họ hay không. Và việc ngưỡng mộ thần tượng là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng. Tuy nhiên có rất nhiều người cuồng thần tượng đến mức mê muội, mù quáng, mất hết lí trí, cứ lao vào như một lẽ tự nhiên.

Việc mỗi người chúng ta có một thần tượng để học hỏi, noi theo thực sự là việc tốt nhưng thần tượng là người như thế nào, có đáng học hỏi hay không là điều mà không phải bạn trẻ nào cũng nhận ra. Việc ngưỡng mộ thần tượng lại càng cần thiết vì chúng ta có thể dựa vào đó để phát triển và càng ngày càng hoàn thiện bản thân minh hơn. Hiện tượng “thần tượng” diễn ra nhiều nhất ở giới trẻ. Những hình mẫu lý tưởng diễn ra đã vượt mức quốc gia, sang những khu vực khác, đặc biệt những ngôi sao Kpop, diễn viên Hàn Quốc, Trung Quốc và một số ngôi sao ca sĩ mới nổi lên mạnh mẽ ở Việt Nam.

Giới trẻ Việt Nam chạy theo trào lưu, theo phong trào theo đuổi một hình mẫu nổi lên trong một thời kỳ nhất định. Đến một giai đoạn nào đó hình mẫu đó không còn thu hút và lôi cuốn nữa họ sẽ đi tìm một hình tượng khác mà mình thích để theo đuổi. Thực ra thần tượng chỉ diễn ra trong một thời kỳ nhất định, khi “thần tượng” của họ đang có sức nóng, sức ám ảnh lớn đối với người hâm mộ. Và người hâm mộ sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu tất cả các thông tin về thần tượng đó, từ tên tuổi, quê quán, đến những chi tiết đời sống riêng không cần tiết lộ. Họ tìm mọi cách để đào bới thông tin, bất kỳ thông tin nào về thần tượng của họ. Họ dành nhiều thời gian cho công cuộc tìm kiếm và công cuộc hâm mộ đó. Và tất nhiên, thời gian để họ “hâm mộ” những thứ khác là không có. Rất nhiều bạn trẻ còn coi đó là lẽ sống, quên ăn, quên ngủ, quên học, thậm chí “bơ” rất nhiều chuyện, nhưng chính bản thân họ lại không nghĩ ra.

Thế giới ngày càng phát triển, trong số đó có không ít người đã tạo dựng nên cho mình một xu hướng riêng biệt tạo nên thành công cho chính mình. Những con người ấy là hình mẫu lý tưởng cho những người khác tin tưởng và noi theo. Họ chính là thần tượng trong mắt những người yêu mến họ. Thế nhưng bên cạnh những điểm tốt, thần tượng còn có những mặt hạn chế tiêu cực. Mỗi người chúng ta phải biết lựa chọn làm sao để trở thành một người hâm mộ chính đáng.

Giới trẻ và các đề tài về giới trẻ đang là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cộng đồng. Điều này cũng dễ lý giải bởi giới trẻ được xem là chủ nhân tương lai của đất nước, là nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi và phát triển của toàn xã hội, trong lĩnh vực kinh tế cũng như văn hóa; và giới trẻ cũng là một hiện tượng xã hội khá phức tạp về tâm lý lứa tuổi, về phong cách sống, lối sống, văn hóa ứng xử,…

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, xuất hiện ngày càng nhiều luồng thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, thiếu định hướng dẫn đến tình trạng một bộ phận giới trẻ rơi vào mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ; điển hình dễ dàng nhận thấy thông qua cách suy nghĩ, cách ăn mặc, cảm thụ thẩm mỹ, ngôn ngữ giao tiếp… Chính vì vậy, việc định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ là thật sự cần thiết, cần có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hiểu rõ đặc điểm tâm lý, lối sống, văn hóa giới trẻ là một chìa khóa quan trọng để có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách có sự chuẩn bị và hỗ trợ phù hợp hơn với giới trẻ trong tương lai.Thế giới mở hiện nay đã tạo điều kiện cho giới trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hoá khác trên thế giới; khả năng học hỏi, tiếp thu của giới trẻ rất nhanh, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc, sẽ không tránh khỏi việc tiếp nhận nhanh những giá trị văn hoá không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống văn hoá của dân tộc. Ở độ tuổi còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, một bộ phận giới trẻ chịu sự tác động mạnh mẽ từ những vấn đề đương đại như làn sóng văn hóa đại chúng đã góp phần cổ súy cho sự dễ dãi trong quan niệm tình yêu và hôn nhân; sự bùng nổ các gameshow, chạy theo các xu hướng “showbiz”, “hot girl”, “ngôi sao”, các loại thời trang “sành điệu” lập dị với mốt thiếu vải, hình xăm trổ, mốt tạo mẫu tóc tattoo hair với những hình thù phản cảm; ngôn ngữ giao tiếp tuổi teen với những từ ngữ khó hiểu; trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông tác động mạnh mẽ đến giới trẻ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cực đoan và sự chai sạn cảm xúc;…

Những hiện tượng chạy theo trào lưu trên ngày càng phổ biến, đã gióng lên hồi chuông báo động, tạo nên những “cơn sốt ảo” về giá trị văn hoá, mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ, tác hại có thể chưa nhận ra ngay nhưng dần dần làm giới trẻ hình thành lối sống ảo, sống thờ ơ, thực dụng,…Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là thích tạo sự chú ý, thể hiện cá tính, nên cũng không thể phủ nhận rằng các hiện tượng gây sốc của giới trẻ có thể xem như một sự phản ứng của bản thân, phản ứng của ý thức hệ trước những nhìn nhận, đánh giá của thế hệ đi trước. Bởi khi nghiên cứu về giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta thường nghĩ thay, làm thay, dạy dỗ, giáo dục thế hệ trẻ theo những qui chuẩn của thế hệ trước, mà ít quan tâm về sở thích, nhu cầu, đặc điểm tâm lý, những giá trị văn hoá phù hợp với thế hệ trẻ. Sự phản ứng này cũng đã phần nào phản ánh cần xây dựng một hệ giá trị mới, một xu hướng thẩm mỹ mới…với những chuẩn mực mới phù hợp cho giới trẻ trong bối cảnh hiện nay.

Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế được xem như tấm gương phản chiếu, tác động đến mọi bình diện của văn hoá trong đó bao gồm cả thị hiếu thẩm mỹ. Sự phản chiếu này là kết quả sự dung hợp từ nhiều nền văn hoá khác nhau thể hiện thông qua nhận thức, quan niệm, lối sống, thói quen… dễ dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột khi tiếp nhận các giá trị của nhiều nền văn hoá. Sự khủng hoảng năng lực thẩm mỹ, sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ liên tục dễ dàng nhận thấy trong giới trẻ, hiện tượng tôn sùng văn hoá nước ngoài, cách ăn mặc, lối ứng xử, quan niệm sống… ngày càng phổ biến. Chúng ta không phản đối việc tiếp thu văn hoá mới, nhưng việc tôn sùng một cách thái quá những thần tượng như kiểu “Lệ rơi”, hay cách ăn mặc quá “thiếu vải”, tóc tai nhiều màu… hiện hữu nơi trường học, cần được xem xét lại. Qua những biểu hiện ở một bộ phận giới trẻ có thể thấy rằng, việc cảm nhận, thưởng thức và đánh giá các giá trị văn hoá, thị hiếu thẩm mỹ bị thay đổi do không có một phông văn hoá vững chắc, làm lệch đi giá trị Chân – Thiện – Mỹ theo cách hiểu truyền thống.

Giới trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội để tiếp cận và thưởng thức cái đẹp, thưởng thức nghệ thuật; bên cạnh việc giáo dục và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, giới trẻ còn có nhu cầu làm giàu hơn về mặt tinh thần thông qua phát triển năng lực thị hiếu thẩm mỹ đa dạng và phong phú. Kích thích nhu cầu hình thành thị hiếu thẩm mỹ chính đáng, phù hợp chuẩn mực xã hội, sống có lý tưởng, tinh thần chia sẻ, tình cảm, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; bên cạnh đó khơi dậy khả năng tiềm ẩn của bản thân, sống đúng, sống đẹp, có đủ trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng vững chắc trở thành công dân trẻ tử tế, tự tin và chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống cho chính bản thân.

Như vậy, có thể thấy, giới trẻ Việt Nam hiện nay vừa tha thiết với các giá trị truyền thống vừa thức thời trước sự phát triển của văn minh hiện đại, do đó cái cốt lõi là giáo dục và tổ chức xã hội cần có góc nhìn tương tác biện chứng để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của văn minh hiện đại và ngược lại phát triển văn minh muốn bền vững cũng cần phải chú trọng dựa trên những nền tảng giá trị của văn hóa. Người trẻ đang cần sống trong không gian văn hóa có sự tương tác liên cá thể, ở mỗi cá thể cần có một bản sắc riêng của sự đa dạng văn hóa – một nguồn lực sáng tạo và cảm xúc góp phần cho sự phát triển xã hội đương đại.

Bài Viết Bạn Nên Xem

Back to top button